Tiếp tục hoàn thiện các báo cáo về rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

20/11/2024
Tiếp tục hoàn thiện các báo cáo về rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-BCĐRSXLVBQPPL ngày 25/7/2024 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo), để chuẩn bị cho Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo, ngày 20/11, Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về các tài liệu phục vụ Phiên họp. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy chủ trì cuộc họp.
Việc xem xét, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết về tình hình xử lý kết quả rà soát được chỉ ra tại Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản QPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV, Báo cáo số 135/BC-CP ngày 10/4/2024 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và việc tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ.
 

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy chủ trì cuộc họp.
 
Cụ thể, tình hình xử lý kết quả rà soát được chỉ ra tại Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV trong các lĩnh vực (đấu thầu; đấu giá; quy hoạch; đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư; tài sản công; ngân sách nhà nước; tài chính công; hợp tác công tư; xã hội hóa dịch vụ công; xây dựng; kinh doanh bất động sản,...) đã được các Bộ, ngành tích cực, chủ động tổ chức xem xét, xử lý đầy đủ đối với những văn bản thuộc đối tượng và phạm vi của mình.
Về tình hình xử lý kết quả rà soát được chỉ ra tại Báo cáo số 135/BC-CP ngày 10/4/2024 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở Báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp đã tổng hợp tình hình xử lý kết quả rà soát đã được chỉ ra tại Báo cáo số 135/BC-CP về các Lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông,...
Đối với việc xử lý kết quả rà soát được chỉ ra tại Báo cáo số 332/BC-BTP và Báo cáo số 400/BC-BTP được xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ hai và Phiên họp thứ ba của Ban chỉ đạo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan, hiện nay, 13 luật trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, lĩnh vực tài chính đang được sửa đổi, bổ sung bằng hình thức luật sửa nhiều luật, qua đó, dự kiến sẽ xử lý đối với hơn 200 nội dung (trong đó có nhiều nội dung được cập nhật, đưa lên từ các văn bản dưới luật). Các nội dung còn lại tại 02 Báo cáo của Chính phủ cũng tiếp tục được xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ với mục tiêu không chỉ để đảm bảo tiến độ xử lý các kiến nghị rà soát mà còn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Như vậy có thể thấy, việc xem xét, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, Nghị quyết số 110/2023/QH15 đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quá trình xem xét, xử lý kết quả rà soát có sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tích cực, chủ động tổ chức xem xét, xử lý kết quả rà soát đầy đủ đối với những văn bản thuộc đối tượng và phạm vi xem xét, xử lý.
Việc nghiên cứu, cho ý kiến độc lập và việc đề xuất xử lý đối với kết quả rà soát cơ bản được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bài bản. Việc xử lý kết quả sau rà soát theo yêu cầu của Quốc hội được thực hiện trách nhiệm, theo đúng tiến độ, lộ trình, kế hoạch đã đề ra; một số nội dung được xử lý sớm. 
 

Các đại biểu xem mô phỏng về ứng dụng nền tảng số trong thu thập, tiếp nhận, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
 
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật
Tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 về huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội: “Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan nhà nước, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 đã giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ: “Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, phân tích chính sách, soạn thảo, ban hành, tổ chức, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm cơ chế phản hồi thông tin, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội”.
Bộ Tư pháp đang nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về văn bản quy phạm pháp luật, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin (Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”).
 



Các đại biểu cho ý kiến tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí cao với dự thảo Báo cáo Tình hình xử lý kết quả rà soát được chỉ ra tại Báo cáo số 587/BC-CP, Báo cáo số 135/BC-CP của Chính phủ và việc tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ.
Đối với về Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”, các đại biểu đề nghị thường trực Ban chỉ đạo cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi, cung cấp nguồn thông tin chính thống, chính xác đối với các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp,...
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp và cho biết sẽ tiếp thu các góp ý, đặc biệt là đối với Đề án “Ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” để hoàn thiện hơn nữa, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu suất, tính phản hồi, tương tác giữa các tổ chức, cá nhân với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.
Cục trưởng Hồ Quang Huy cũng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các Báo cáo nhằm nêu bật kết quả rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành;.../.
 
Thu Nga - Trung tâm Thông tin