Hoàn thiện thể chế pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự

18/10/2024
Hoàn thiện thể chế pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự
Ngày 18/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự. Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và đồng chí Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì Hội thảo.
Xây dựng dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, dễ áp dụng sau khi được ban hành
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của quan hệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày nay, cùng với chủ trương về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đã đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật TTTP về dân sự. Chính vì vậy, trên cơ sở tổng kết của các bộ, ngành về công tác TTTP, Chính phủ đã nhất trí với đề xuất tách Luật TTTP thành các luật riêng điều chỉnh từng lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Luật TTTP về dân sự, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng Luật TTTP về dân sự cũng thực hiện nhiệm vụ "Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
 

Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và đồng chí Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì Hội thảo.

 
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương có liên quan trực tiếp đến công tác TTTP về dân sự; tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Hội thảo hôm nay cũng là 1 trong các hoạt động để Bộ Tư pháp có thêm thông tin thực tiễn, nhận được những ý kiến góp ý cho việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, dễ áp dụng sau khi được ban hành.
 

Đồng chí Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo.
 
Với mục tiêu đó, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: dự thảo Luật đã đảm bảo cụ thể hóa đầy đủ các giải pháp chính sách đề xuất xây dựng Luật đã được phê duyệt hay chưa; tính khả thi, thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan hiểu và áp dụng trình tự, thủ tục TTTP trên thực tiễn; những lợi ích của việc xã hội hóa một phần hoạt động TTTP, sự cần thiết và tính khả thi, những thách thức của việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác TTTP về dân sự... Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Bộ Tư pháp nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật.
Nhiều điểm mới về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện TTTP
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Thị Minh Hà, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp giới thiệu những nội dung chính của dự thảo Luật TTTP về dân sự. Dự thảo Luật được xây dựng gồm 6 chương, 47 Điều với nhiều điểm mới. Cụ thể, dự thảo Luật đã định nghĩa thuật ngữ “tương trợ tư pháp” và thống nhất sử dụng thuật ngữ này trong toàn bộ dự thảo Luật thay cho thuật ngữ “uỷ thác tư pháp” như Luật TTTP hiện hành; quy định rõ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện TTTP về dân sự; quy định mới về trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự khác; bổ sung và quy định cụ thể hơn thẩm quyền thực hiện yêu cầu TTTP....
 

Đồng chí Trần Thị Minh Hà, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp giới thiệu những nội dung chính của dự thảo Luật TTTP về dân sự.

Trên cơ sở giới thiệu chung của đồng chí Trần Thị Minh Hà, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những điểm mới của dự thảo Luật TTTP về dân sự. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Toà án nhân dân tối cao nhấn mạnh, dự thảo Luật TTTP về dân sự đã khắc phục nhiều bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực TTTP dân sự. Về thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam, theo Luật TTTP hiện hành, chỉ Toà án cấp tỉnh mới có thẩm quyền yêu cầu TTTP trong nước và thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài; vì vậy gây cản trở trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của toà án Việt Nam. Dự án Luật TTTP đã có sự mở rộng thẩm quyền hơn, cụ thể quy định toà án nhân dân là một trong các cơ quan có thẩm quyền thực hiện TTTP. Theo đồng chí, việc mở rộng thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự cho Toà án nhân dân các cấp là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
 

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Toà án nhân dân tối cao.

Luật TTTP hiện hành cũng thiếu cơ sở pháp lý để đa dạng các phương thức thực hiện TTTP mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TTTP về dân sự. Việc quy định cho phép chuyển giao yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam bằng phương thức điện tử tại dự thảo Luật mới sẽ tạo hành lang pháp lý để đa dạng hoá các phương thức thực hiện; đồng thời rút ngắn thời gian và đem lại hiệu quả tốt hơn cho công tác TTTP. Theo đồng chí, đây là quy định rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giảm bớt số lượng hồ sơ bản giấy và bổ sung hồ sơ điện tử.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng cho ý kiến về giá trị pháp lý của kết quả thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam; quy định về tống đạt giấy tờ; thu thập chứng cứ lấy lời khai trực tuyến của nước ngoài ...
 

Đồng chí Vi Hoàng Chung, Trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Đồng chí Vi Hoàng Chung, Trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu vai trò và tình hình thực tiễn triển khai công tác TTTP về dân sự tại Bộ Ngoại giao. Trên cơ sở đó, đồng chí đã đề xuất một số nội dung vào dự thảo Luật như: đẩy mạnh số hoá hồ sơ, cho phép chuyển giao yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam bằng phương tiện điện tử; cân nhắc quy định việc vào sở quản lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ yêu cầu TTTP của Việt Nam....

Một số hình ảnh khác:
 







Anh Thư - Trung tâm Thông tin