Bộ Tư pháp Việt Nam–CHLB Đức: Trao đổi kinh nghiệm xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền người chuyển đổi giới tính

19/09/2024
Bộ Tư pháp Việt Nam–CHLB Đức: Trao đổi kinh nghiệm xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền người chuyển đổi giới tính
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 Chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền với Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức (được ký kết ngày 15/4/2024 giữa Bộ Tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức), với sự hỗ trợ của Quỹ IRZ, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của CHLB Đức về xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính, bao gồm các vấn đề nhân thân và tài sản”.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 18-19/9/2024. Ban chủ trì Hội thảo ngày làm việc thứ 2 gồm: đồng chí Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; bà Angela Schmeink, Trưởng đại diện khu vực Châu Á, IRZ; ông Gregor Daubler, Bác sĩ, Cán bộ chính sách, Berlin, CHLB Đức.
 

Ban chủ trì Hội thảo ngày vào làm việc thứ 2.

Tại ngày làm việc thứ 2, các đại biểu đã được nghe TS. GVC. Mạc Thị Hoài Thương, Trường Đại học Luật Hà Nội giới thiệu một số vấn đề đặt ra liên quan đến pháp luật lao động, an sinh xã hội cho người chuyển đổi giới tính. Đồng chí cho biết, Việt Nam đang tích cực xây dựng, hoàn thiện luật cụ thể quy định vấn đề chuyển đổi giới tính. Đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự cam kết của quốc gia đối với việc bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới. Tuy nhiên, việc hiện thực hoá quyền của người chuyển đổi giới tính không chỉ dừng lại ở việc cho phép, công nhận giới tính mà đòi hỏi cần hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan khác về vấn đề bình đẳng, không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc; thay đổi thông tin cá nhân; tuổi nghỉ hưu; bảo hiểm y tế…
Vì vậy, đồng chí cho rằng, cần tiếp tục nỗ lực để bảo đảm rằng những quy định mới về chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện một cách hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người chuyển giới sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Việc này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự thay đổi về tư duy và thái độ của xã hội đối với người chuyển giới.
 

TS. GVC. Mạc Thị Hoài Thương, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày chuyên đề tại Hội thảo.

Về việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính, đồng chí đề xuất dự thảo Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính tương ứng với mức độ can thiệp y học. Trong đó, tập trung giải quyết những yêu cấu bức thiết nhất của người chuyển đổi giới tính như công nhận giới tính, thay đổi thông tin về hộ tịch, giới tính của cá nhân chuyển đổi giới tính trên các loại giấy tờ đã cấp. Đối với giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực pháp luật an sinh xã hội sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng sửa đổi các quy định pháp luật chuyên ngành (Bộ luật Lao động 2019; Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Luật Bảo hiểm xã hội 2014) sau khi Luật chuyển đổi giới tính được ban hành.
Các đại biểu cũng được nghe ông Chu Thái Hà, đại diện người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam đề xuất một số điều kiện để đảm bảo việc xây dựng và thực thi pháp luật về chuyển đổi giới tính được hiệu quả, toàn diện. Theo ông, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm cả thiết lập cơ chế giám sát độc lập và xây dựng cơ chế xử lý khiếu nại, tranh chấp; nâng cao nhận thức và giáo dục của cộng đồng, xã hội; tăng cường sự đồng hành, hỗ trợ từ cộng đồng; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tư pháp, y tế, xã hội.
 

Ông Gregor Daubler, Bác sĩ, Cán bộ chính sách, Berlin trình bày chuyên đề tại Hội thảo.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe ông Gregor Daubler, Bác sĩ, Cán bộ chính sách, Berlin đã giới thiệu “Đạo luật quyền tự quyết liên quan đến đăng ký giới tính” (Selbstbestimmungsgesetz/SBGG)” của Đức; đồng thời chia sẻ thực tiễn của CHLB Đức trong việc thực thi vấn đề về nhân thân và tài sản của người chuyển đổi giới tính.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin