Nhân dịp Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2024), phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp đã có các cuộc trao đổi với đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ về những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phỏng vấn ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.
Phóng viên: Cảm ơn Ông đã nhận lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp! Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, xin Ông cho biết những kết quả chủ yếu đã đạt được trên các lĩnh vực công tác của Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong thời gian qua?
Ông Hồ Quang Huy: Cục Kiểm tra văn bản QPPL được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL; từ tháng 12/2023 đến nay, Cục được bổ sung nhiệm vụ quản lý nội dung Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Các mặt công tác của Cục có liên quan mật thiết, tác động trực tiếp đến hoạt động xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương. Điều này tạo nên cơ chế đồng bộ, hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng của hệ thống văn bản QPPL và tạo điều kiện để thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả, nghiêm minh, nhất quán.
Thời gian qua, trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp, yêu cầu về chất lượng, tiến độ ngày càng cao, thực hiện quy định của pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL tiếp tục được chú trọng, quan tâm tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân, cụ thể là:
Công tác kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp đã được tập trung thực hiện ngày càng sâu sát, hiệu quả, với nhiều phương thức khác nhau (thường xuyên, chuyên đề, địa bàn, liên ngành); từng bước gắn kết công tác kiểm tra văn bản của Chính phủ với công tác kiểm tra của Đảng và công tác giám sát của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, sâu sát, quyết liệt trong việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực, văn bản được người dân, dư luận xã hội quan tâm, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào công tác quản lý của Nhà nước, xử lý hài hòa giữa yếu tố pháp lý với mục tiêu, yêu cầu quản lý, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, ban hành văn bản.
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, bên cạnh việc rà soát văn bản thường xuyên theo thẩm quyền, trách nhiệm, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu với Chính phủ, Quốc hội, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao nhiệm vụ rà soát tổng thể và rà soát chuyên sâu đối với hệ thống văn bản QPPL do các cơ quan trung ương ban hành. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, với vai trò là đơn vị thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL (do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng), Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã nỗ lực, tập trung, tích cực tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ và Tổ công tác chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao các đợt rà soát tổng thể và rà soát chuyên sâu đối với toàn bộ văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do các cơ quan Trung ương ban hành với khối lượng công việc rất lớn, nội dung phức tạp (nổi bật trong năm 2023 và 2024 là hoạt động tổ chức rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội; nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 06) và nghiên cứu, rà soát VBQPPL để cắt giảm TTHC trong 19 Nghị quyết của Chính phủ). Đồng thời, tại thời điểm hiện nay, Cục đang tập trung giúp Lãnh đạo Bộ tích cực, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL (do Thủ tương Chính phủ làm Trưởng ban) để tổ chức rà soát, xử lý các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh, cản trở sự phát triển, nhất là các vướng mắc mang tính cấp bách, ở tầm luật cần xử lý, tháo gỡ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, cùng với các Bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Tư pháp đã hoàn thành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL toàn quốc kỳ 3 (2019 - 2023), qua đó kiểm soát được tương đối đầy đủ, chính xác, có hệ thống tình hình số lượng, chất lượng các văn bản QPPL đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thông qua các hoạt động nêu trên đã giúp nhận diện, nghiên cứu xử lý, sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản QPPL, hoàn thiện, tháo gỡ những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, hạn chế, vướng mắc về thể chế, nhất là các điểm ách tắc trong các lĩnh vực đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm, trọng tâm là quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; đồng thời khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác pháp điển hệ thống QPPL, xây dựng Bộ pháp điển Việt nam tuy là công việc mới, nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, tích cực, phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, đến nay Bộ pháp điển đã được cơ bản hoàn thành, vượt tiến độ hơn 01 năm so với thời hạn được đề ra theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ QPPL mới vào Bộ pháp điển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức và người dân. Nhằm phát huy giá trị sử dụng của Bộ pháp điển, hiện nay Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đang tích cực tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển” (được phê duyệt theo Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ). Cùng với công tác pháp điển hệ thống QPPL, công tác hợp nhất văn bản QPPL tại Bộ Tư pháp và các bộ, ngành luôn được quan tâm thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, việc thực hiện hợp nhất văn bản bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, nội dung, kỹ thuật hợp nhất; văn bản hợp nhất được đăng tải trên Công báo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Trang thông tin điện tử của các bộ, ngành theo quy định để đảm bảo cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng.
Các kết quả nêu trên đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng văn bản QPPL của Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hạn chế được các sai sót, bất cập, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước, đặc biệt các bộ, ngành, địa phương nhận diện, kiểm soát được chất lượng hệ thống văn bản QPPL thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình để đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo đảm công tác xây dựng, thi hành pháp luật được thuận tiện, hiệu lực, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao niềm tin của người dân, xã hội đối với cơ quan nhà nước trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ “liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân, doanh nghiệp” theo tinh thần, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên: Xin Ông cho biết định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL cần thực hiện trong thời gian tới?
Ông Hồ Quang Huy: Trên cơ sở nhận thức, quán triệt định hướng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, Cục Kiểm tra văn bản QPPL với thẩm quyền, trách nhiệm được giao đã xác định tiếp tục nỗ lực phát huy những thành tựu, kết quả đạt được, đồng thời quyết tâm khắc phục các hạn chế, bất cập, khó khăn để thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn các mặt công tác, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả, toàn diện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó xác định rõ nhiệm vụ “tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản QPPL trái pháp luật”; các nội dung của Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt “hoạt động kiểm tra văn bản QPPL là một trong các hoạt động của kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật” và “rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL là một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật”; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”; Công văn số 825-CV/BCSĐ ngày 19/7/2024 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp gửi Ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, trong đó có nội dung đưa công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL vào nội dung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát của Ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương để tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới…
Thứ hai: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện thể chế về các công tác về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL trong quá trình xây dựng Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi); nhất là các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình thực hiện của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ ba: Thực hiện nghiêm phương châm “chủ động, kịp thời, thận trọng, khách quan, chính xác” trong công tác kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thực hiện kiểm tra toàn diện cả về nội dung, hình thức văn bản và trình tự, thủ tục ban hành. Linh hoạt trong việc tổ chức, sử dụng các phương thức, hình thức kiểm tra; tăng cường kiểm tra văn bản theo địa bàn, chuyên đề, ngành, lĩnh vực. Tiêp tục lựa chọn lĩnh vực, vấn đề kiểm tra văn bản với lĩnh vực/vấn đề được Quốc hội lựa chọn để giám sát tối cao; gắn kết công tác kiểm tra văn bản của Chính phủ với công tác kiểm tra của Đảng, công tác giám sát của Quốc hội. Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ văn bản trái pháp luật đã kiểm tra, kết luận, đôn đốc cơ quan ban hành xử lý triệt để, đầy đủ các nội dung đã kiến nghị xử lý theo đúng quy định, nhất là các trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật gây trở ngại đến lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy sự hoạt động đồng bộ, hiệu quả của hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản QPPL trong cả nước (đặc biệt là ở cấp bộ và chính quyền cấp tỉnh).
Thứ tư: Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tổ chức triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL để chủ động, kịp thời rà soát, phát hiện, nghiên cứu xử lý, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi về khung khổ pháp lý, huy động, sử dụng mọi nguồn lực phục vụ phát triển, đồng thời khắc phục những sơ hở, bất cập để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm: Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển” theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao giá trị sử dụng Bộ Pháp điển. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và các bộ, ngành liên quan để thực hiện tốt việc rà soát, cập nhật văn bản QPPL vào Bộ pháp điển, kiểm soát nội dung Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đảm bảo chính xác, đầy đủ, có độ tin cậy cao; nghiên cứu, đề xuất ứng dụng việc chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm của Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để đáp ứng yêu cầu quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác, sử dụng quy định của pháp luật trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhân dịp này, Cục Kiểm tra văn bản QPPL xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Tập thể Cục sẽ không ngừng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, phương pháp tổ chức thực hiện công việc, nâng cao trình độ, năng lực công tác, đoàn kết, đồng lòng vì công việc chung của đơn vị, nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, cùng các đơn vị thuộc Bộ và toàn ngành Tư pháp hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới vì sự phát triển của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Ông! Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập ngành Tư pháp, Cổng thông tin điện tử chúc Cục Kiểm tra văn bản QPPL ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp và của toàn xã hội./.
Thực hiện: An Như - Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp