Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp

02/07/2024
Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp
Ngày 02/7, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Toạ đàm góp ý dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (PBGDPL). Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo dự thảo Đề án chủ trì Toạ đàm. Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cùng dự.
Tăng cường triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo cho biết, việc xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” nhằm thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương. Với vai trò đơn vị chủ trì thực hiện, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Đề án, trong đó tập trung vào 2 vấn đề chính là những giải pháp đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, bảo đảm thông tin pháp luật đến với người dân chính xác, kịp thời, thuận lợi nhất và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
 

Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo dự thảo Đề án chủ trì Toạ đàm.

Đồng chí hy vọng, tại Toạ đàm hôm nay, các đại biểu, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẽ tích cực trao đổi, thảo luận, cho ý kiến mang tính chuyên môn, định hướng để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án.
Giới thiệu sơ lược về Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL”, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta thể hiện rất rõ quyết tâm chính trị trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia thông qua việc ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu cần: "tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Kết luận số 80-KL/TW cũng định hướng cần: “Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức PBGDPL, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác PBGDPL”.
 

Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu tại Toạ đàm.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Hiện tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể và 63/63 địa phương đã có Cổng/Trang Thông tin điện tử có tin, bài, hỏi đáp pháp luật, trong đó 07 bộ, ngành và 46 địa phương đã vận hành Cổng/Trang Thông tin điện tử PBGDPL; 17 địa phương còn lại đang vận hành chuyên mục PBGDPL thuộc Cổng/Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể.
Nguồn nhân lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL được từng bước tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng. Hình thức PBGDPL hết sức đa dạng, phong phú như: xây dựng bài giảng điện tử, video tiểu phẩm pháp luật, câu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật; PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến; tổ chức thi trực tuyến về kiến thức pháp luật… Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan thông tấn báo chí và các trang mạng xã hội cũng đang ngày một bài bản, chặt chẽ và hiệu quả hơn.  
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số địa phương, cơ quan, đơn vị vận hành Cổng/Trang thông tin PBGDPL còn mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL chưa tương xứng với yêu cầu thực tế; dữ liệu hỏi đáp pháp luật trên môi trường mạng phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, tìm hiểu pháp luật của người dân còn chưa phong phú, đôi khi trùng lặp, chưa kịp thời…. Chính vì vậy, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. 
Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” được thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030 nhằm đổi mới, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển đổi phương thức thực hiện PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp từ truyền thống sang môi trường số, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận tiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân.
Xây dựng các mục tiêu đảm bảo chính xác, khả thi, có cơ sở thực tiễn
Tại Toạ đàm, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL”. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các hoạt động của người dân, doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Vì vậy, việc xây dựng Đề án là phù hợp; tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm số liệu để phản ánh thực trạng, cách thức thực hiện và đánh giá tính hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL hiện nay.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số trong PBGDPL không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Tư pháp mà còn là của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn nữa trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành, địa phương trong công tác này tại dự thảo Đề án.
 

Đại diện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Đại diện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ OSP đánh giá trên hiện trạng công nghệ hiện nay có thể đáp ứng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Tuy nhiên, để Đề án đạt hiệu quả cao, các đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định đúng mục tiêu tổng quát và khoanh vùng, chi tiết hoá các mục tiêu cụ thể với lộ trình thực hiện rõ ràng.
 

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ OSP.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Toạ đàm cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như: phạm vi, đối tượng Đề án hướng đến; việc xây dựng, cập nhật Cơ sở dữ liệu về PBGDPL;…
 

Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo phát biểu kết luận Toạ đàm.

Kết luận Toạ đàm, đồng chí Lê Vệ Quốc khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Toạ đàm. Ban soạn thảo sẽ củng cố nội dung cơ sở thực tiễn, từ đó xây dựng mô phỏng tổng thể để thấy rõ thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền, cách thức tổ chức thực hiện… nếu ứng dụng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; đồng thời làm rõ hơn các mục tiêu của Đề án, đảm bảo tính chính xác, khả thi, có cơ sở thực tiễn. Đồng chí cũng hy vọng các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến về mặt kỹ thuật, ngôn ngữ, công nghệ để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Đề án...
Một số hình ảnh khác tại Toạ đàm:




 


Anh Thư - Trung tâm Thông tin