Lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ 19/2011/NĐ-CP và NĐ 24/2019/NĐ-CP

20/05/2024
Lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ 19/2011/NĐ-CP và NĐ 24/2019/NĐ-CP
Ngày 17/5/2024, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với hoạt động hỗ trợ nuôi con nuôi và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP (gọi tắt là dự thảo Nghị định). Hội nghị diễn ra tại thành phố Hà Nội, do bà Phạm Thị Kim Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp chủ trì cùng với sự tham gia của đại diện các Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, một số Phòng Tư pháp, UBND phường trên địa bàn thành phố Hà Nội và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.
Hội nghị được tổ chức nhằm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các địa phương để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tại Hội nghị, Vụ Con nuôi đã trình bày các chuyên đề liên quan đến công tác hỗ trợ giải quyết nuôi con nuôi và giới thiệu dự thảo Nghị định cũng như những nội dung cần tập trung lấy ý kiến.



Sau khi nghe trình bày các chuyên đề và gợi mở vấn đề cần trao đổi, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí, đồng thuận cao với đề xuất hoạt động hỗ trợ giải quyết nuôi con nuôi cũng như các nội dung khác trong dự thảo Nghị định và có ý kiến cho rằng cần xác định rõ chủ thể thực hiện hoạt động hỗ trợ nuôi con nuôi ở cấp xã. Ngoài ra, các đại biểu cũng nhất trí với nội dung về tăng cường công tác nuôi con nuôi trong nước như đã nêu tại Điều 6 được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định.

Về một số nội dung khác, đại biểu của Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cho rằng việc yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp số 1 trong hồ sơ của người nhận con nuôi là phù hợp với Luật lý lịch tư pháp, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ được thực hiện trong một số trường hợp theo quy định. Tuy nhiên, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn nêu lo ngại với những trường hợp người nhận con nuôi được xóa án tích về tội xâm hại tình dục trẻ em lại tiếp tục xin nhận con nuôi. Ngoài ra, có nhiều ý kiến khác đề nghị bổ sung thêm các vấn đề như: Thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Thay đổi quê quán, dân tộc của con nuôi vì đây đều là những vấn đề thực tiễn cần giải quyết. Tuy nhiên, ở “tầm” Nghị định thì chưa thể điều chỉnh các vấn đề nêu trên nên đơn vị soạn thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến này để nghiên cứu, đề xuất khi sửa đổi Luật Nuôi con nuôi.

Hội nghị diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở và đã có nhiều vấn đề được trao đổi. Đồng chí chủ trì Hội nghị khẳng định những ý kiến góp ý tại Hội nghị là rất thiết thực và đều xuất phát từ thực tiễn, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) sẽ nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị định. Bà Phạm Thị Kim Anh gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã đến tham dự, hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu đối với dự thảo Nghị định nói riêng cũng như công tác giải quyết nuôi con nuôi nói chung để công tác này ngày càng thực chất và hiệu quả, thể hiện cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên có trách nhiệm của hai điều ước quốc tế đa phương lớn đó là: Công ước về quyền trẻ em và Công ước Lahay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.