Trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, văn hóa đọc dần bị phai nhạt, điều này dẫn đến tình trạng các tủ sách pháp luật (TSPL) đã bị “lãng quên”, gây lãng phí, không phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương được gọi là “lò tiến sỹ xứ Đông”, “làng khoa bảng” do truyền thống ham học hỏi và có nhiều người giỏi. Tiếp nối truyền thống đó, làng Mộ Trạch đã có nhiều cách làm để khuyến khích việc học và đọc sách của các thế hệ con em.
Vào năm 2009, làng Mộ Trạch đã tổ chức lễ ra mắt Tủ sách họ Vũ (Võ) với rất nhiều các đầu sách với các thể loại như sách pháp luật, sách lịch sử, văn học, y học, khuyến học, khuyến nông…
Thời gian đầu ra mắt, số lượng sách tăng nhanh đáng kể bởi thành viên họ Vũ ở các nơi trong nước và những người làng Mộ Trạch xa quê khi biết dòng họ, quê hương có tủ sách đã gửi về góp vào tủ sách. Bình quân có khoảng 30 người đến đọc, mượn sách mỗi ngày.
Tuy nhiên, sau 15 năm hoạt động, Tủ sách có vẻ dần bị “lãng quên” khi số lượng người đến đọc rất hạn chế, nhiều cuốn sách trong tủ còn bị bụi, mạng nhện bám đầy trên bề mặt vì đã rất lâu không có người sử dụng.
Ông Vũ Quốc Ái, 78 tuổi, thương binh hạng ¼, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học làng Mộ Trạch, thủ thư tủ sách họ Vũ cho biết ông làm thủ thư từ khi tủ sách ra mắt đến nay chủ yếu với tinh thần phục vụ, cống hiến chứ không có thù lao.
“Hàng năm cứ đến mùng 8 tháng Giêng là lễ hội truyền thống, khách thập phương lại đến Mộ Trạch nghe chuyện, tưởng nhớ các tiến sĩ Nho học đã làm nên một làng khoa bảng có một không hai. Khi ấy các hậu duệ họ Vũ lại đóng góp, ủng hộ để phát triển Tủ sách của làng”, ông Ái cho hay.
Cũng theo ông Ái, tuy chính quyền địa phương rất tích cực trong việc huy động xã hội hóa để duy trì tủ sách nhưng nguồn lực ngày càng hạn chế. Đặc biệt trong thực trạng văn hóa đọc đi xuống, số lượng người đến đọc sách ngày càng giảm.
“Chúng tôi có nhiệt tình đến mấy mà không có sự ủng hộ của bà con thì cũng không được. Xã có tuyên truyền, thông báo trên phát thanh để người dân đến tìm hiểu, đọc sách, nhưng cũng không được mấy người”, ông Ái buồn bã nói.
Còn ông Vũ Huy Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng cũng nêu lên thực tế hiện nay số lượt người đến khai thác, sử dụng TSPL chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ bởi hiện nay mọi người yêu thích việc sử dụng điện thoại thông minh hơn. Do vậy, việc duy trì TSPL cần nhiều tâm huyết, công sức.
Theo ông Cường, nếu tiếp tục triển khai Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL thì Bộ Tư pháp cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra cơ chế chính sách rõ ràng trong việc duy trì TSPL từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, thôn như: nghiên cứu mô hình mới, nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, đầu sách hấp dẫn, chế độ cho người trông coi, tập huấn về theo dõi, quản lý TSPL…
Nêu lên một số hạn chế trong việc xây dựng, duy trì TSPL tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Phúc, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Giang cho rằng huyện có nhiều dòng họ nhưng số lượng TSPL dòng họ không nhiều, số lượng người dân tiếp cận ít khi chỉ khoảng 10 người/ngày, nguồn kinh phí khó khăn, chủ yếu là xã hội hóa.
Thời gian qua, xã Tân Hồng đã triển khai rất tốt Quyết định 14 nhưng cần chiến lược dài hơi hơn để có thể duy trì TSPL như tăng cường tuyên truyền, lồng ghép việc khai thác TSPL với các hoạt động ngoại khóa, đặt TSPL tại vị trí thuận lợi, có sổ sách theo dõi đầy đủ, tập huấn công tác thư viện…
Cùng với đó, ông cho biết Phòng Tư pháp huyện sẽ tham mưu Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh tiếp tục duy trì TSPL theo cơ chế rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Ghi nhận những cố gắng của địa phương trong việc giữ gìn TSPL, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp cho rằng để TSPL được “sống” thường xuyên, thật sự trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân khi muốn nghỉ ngơi, thư giãn, tìm hiểu kiến thức là điều vô cùng khó.
Trong bối cảnh văn hóa đọc ngày càng mai một, ông Quốc mong muốn người làng Mộ Trạch nói riêng và người dân Hải Dương nói chung tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, khơi dậy, duy trì phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng để việc đọc sách trở thành nhu cầu tự thân. Để làm được điều này, chính quyền địa phương và người dân phải cùng nhau đầu tư nguồn lực đồng thời tìm kiếm các cách làm mới để duy trì TSPL thật sự hiệu quả.
Không chỉ tại Hải Dương, tại nhiều địa phương trên cả nước, TSPL đang bộc lộ rất nhiều hạn chế. Thiết nghĩ, các địa phương cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý, khai thác và tìm ra hướng đi mới cho TSPL, để TSPL thực sự trở thành một kênh tuyên truyền, PBGDPL có hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để mọi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Một số hình ảnh khác:
Bảo Ngọc