Ngày 29/3, trong khuôn khổ chương trình hợp tác về tư pháp và pháp luật năm 2024, Bộ Tư pháp và Dự án Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), hợp phần UNDP tổ chức Hội thảo “Triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”.
Hội thảo do ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL) và ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL chủ trì.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Nguyễn Quốc Hoàn nêu rõ: ngày 23/7/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 59/2012/NĐ-CP. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí nhấn mạnh, theo dõi tình hình THPL là công việc phức tạp về tính chất, rộng về phạm vi và nặng nề về khối lượng. Trong những năm qua, công tác này đã được triển khai dần bài bản hơn, với nhiều đổi mới, bước đầu đạt được kết quả tích cực: Thể chế về công tác theo dõi THPL tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện; phương pháp theo dõi THPL tiếp tục được nghiên cứu đổi mới; hoạt động hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra được chú trọng tăng cường...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác theo dõi tình hình THPL thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: hiệu quả công tác theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành chưa rõ nét; phản ứng chính sách thông qua hoạt động theo dõi tình hình THPL vẫn còn chậm; hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần tiếp tục được đẩy mạnh; kinh phí, tổ chức bộ máy, biên chế chưa đáp ứng yêu cầu…
Do vậy, Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác theo dõi THPL ở Trung ương và địa phương. Thông qua Hội thảo, các cán bộ làm thực tiễn có thể nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ, từ đó góp phần thực hiện tốt mục đích theo dõi THPL là nhằm xem xét, đánh giá thực trạng THPL, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL.
Báo cáo tại Hội thảo cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, công tác theo dõi tình hình THPL đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, hoạt động quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình THPL được quan tâm và đẩy mạnh đã có tác động tích cực; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan đơn vị thực hiện việc theo dõi tình hình THPL ở các ngành, các cấp đã được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả; hoạt động tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình THPL được Bộ Tư pháp chú trọng, đặc biệt là tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác theo dõi tình hình THPL được tổ chức thường xuyên và tạo hiệu ứng tốt, các cán bộ làm công tác theo này.
Thông qua công tác theo dõi tình hình THPL đã phát hiện những bất cập, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Những kết quả nêu trên trong triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 32/2020/NĐ-CP) ở các Bộ, cơ quan và địa phương đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó vị trí, vai trò của công tác theo dõi tình hình THPL trong tổ chức và hoạt động của các Bộ, cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thi hành, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 32/2020/NĐ-CP) đã bộc lộ bất cập hạn chế trong quy định cũng như phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành về điều kiện bảo đảm thi hành, việc triển khai hoạt động theo dõi THPL ở nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn còn mang tính hình thức…
Từ những bất cập đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận để đưa ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi THPL trong thời gian tới.
Ngoài ra, Hội thảo còn tập trung về một số vấn đề như: đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành và tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi THPL; hoạt động thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra tình hình THPL, xây dựng báo cáo theo dõi THPL và xử lý kết quả theo dõi THPL; kinh phí đảm bảo cho công tác theo dõi THPL…
Bảo Ngọc