Thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp CHLB Đức, được sự hỗ trợ của Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam, ngày 21/3/2024 Bộ Tư pháp Việt Nam (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) phối hợp với Viện FES tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu điện tử về pháp luật” tại Hà Nội.
Chủ trì Hội thảo có Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp và Ông Christian Timo Rinke, Trưởng Đại diện Viện FES tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có Ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp; Giáo sư Michael Jaensch, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Kỹ thuật Berlin; Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hội thảo còn có sự tham dự của các đồng chí là lãnh đạo Vụ, lãnh đạo phòng, công chức tại các Tổ chức Pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ như: Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Quốc phòng; Công an; Tài chính; Ngoại giao; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban dân tộc; các Sở Tư pháp: thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hòa Bình và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Đồng chí Hồ Quang Huy phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồ Quang Huy nêu rõ, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề đang đặt ra như hệ thống pháp luật còn phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); số lượng văn bản QPPL được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, việc nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các công tác rà soát văn bản QPPL và xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có thể góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như việc bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, cung cấp chính xác, kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác rà soát văn bản QPPL, xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) đã và đang thúc đẩy việc nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho các công tác này thống nhất, hiệu quả trên toàn quốc.
Tại Hội thảo, Bà Hoàng Linh Cầm, Phó Chánh Văn phòng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã trình bày nội dung về thực trạng và nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Bà Nguyễn Thị Thái Nguyên, Phó Chánh Văn phòng, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp trình bày nội dung về thực trạng và định hướng về hạ tầng kỹ thuật phục vụ Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật tại Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, Hội thảo cũng được nghe Giáo sư, Tiến sĩ Michael Janensch, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Kỹ thuật Berlin trình bày nội dung về kinh nghiệm xây dựng, quản lý hệ cơ sở dữ liệu điện tử về pháp luật của Cộng hòa liên bang Đức; Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, đại diện Nhóm Triển khai thử nghiệm Trợ lý ảo rà soát văn bản quy phạm pháp luật trình bày nội dung về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phần mềm hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận về nhu cầu ứng dụng giải pháp về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác rà soát văn bản và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật là rất lớn. Đặc biệt ứng dụng đối với việc đơn giản hóa, tự động hóa một số bước trong quy trình thực hiện; hỗ trợ xác định chính xác kết quả rà soát; tiết kiệm nguồn lực, chi phí; tăng cường trao đổi, thông tin, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong các công tác này nói riêng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung.
Kết thúc Hội thảo, Ông Hồ Quang Huy đã đánh giá các ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận đầy tâm huyết nhằm đưa ra những giải pháp, đề xuất về việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác rà soát văn bản QPPL và xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu điện tử về pháp luật để nâng cao hiệu quả, chất lượng của những công tác này trong thời gian tới, góp phần công khai, minh bạch cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, Hồ Quang Huy đã cảm ơn các chuyên gia và đại biểu đã dành thời gian tham dự Hội thảo; cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác của Viện FES tại Việt Nam và Bộ Tư pháp Đức đối với Bộ Tư pháp nói chung và Cục Kiểm tra văn bản QPPL nói riêng trong thời gian qua./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: