Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách (CGAP) của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) năm 2024 diễn ra tại La Hay, Hà Lan từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 năm 2024 với sự tham gia của 429 đại biểu (trong đó 266 đại biểu tham dự trực tiếp và 163 đại biểu tham dự trực tuyến) đại diện cho 74 quốc gia thành viên HCCH, 05 quốc gia chưa phải thành viên, 07 tổ chức liên chính phủ, 08 tổ chức phi chính phủ và các thành viên của Ban thư ký thường trực (PB).
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan quốc gia của Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức Đoàn Việt Nam tham gia Phiên họp, gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Trường Đại học Luật Hà Nội do bà Trần Thị Minh Hà, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn.
Như thường lệ, Phiên họp tổng kết các hoạt động HCCH đã triển khai trong năm 2023, đánh giá kết quả đạt được và đề ra các hoạt động, nhiệm vụ HCCH thực hiện trong năm 2024. Một số hoạt động chính, quan trọng đã được CGAP tổng kết, ghi nhận kết quả và thông qua hoạt động tiếp theo như sau:
1. Công tác lập pháp:
Hoạt động của Nhóm công tác về quan hệ cha mẹ/mang thai hộ: CGAP ghi nhận báo cáo của Nhóm công tác về việc xây dựng một văn kiện mới nhằm đảm bảo tăng cường tính dự đoán, tính chắc chắn và tiếp nối của quan hệ pháp lý của cha mẹ và những người liên quan trong bối cảnh quốc tế hiện nay, trong đó cần cân nhắc quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em. Trong năm 2023, Nhóm công tác đã nghiên cứu về các quy tắc quan hệ pháp lý cha mẹ con được xác lập trên cơ sở quyết định tư pháp và quy tắc về quan hệ pháp lý cha mẹ con được ghi nhận trong giấy tờ công. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt giữa pháp luật các nước trong (pháp luật cấm, pháp luật điều chỉnh hoặc không điều chỉnh về vấn đề mang thai hộ) yêu cầu các cơ chế mới được xây dựng cần đảm bảo độ mềm dẻo nhất định. Liên quan đến pháp luật áp dụng với giấy tờ công liên quan đến quan hệ cha mẹ con và khả năng ban hành Giấy chứng nhận quốc tế về quan hệ cha mẹ con, báo cáo đã chỉ ra thách thức trong trường hợp giá trị của giấy công nước ngoài hiệu lực lớn hơn giấy tờ tương tự trong nước. Để việc xây dựng các điều, khoản của dự thảo văn kiện hài hòa, đáp ứng những yêu cầu đặt ra, CGAP đã uỷ quyền cho PB tổ chức thêm hai cuộc họp trong Năm tài chính (FY) 2024-2025.
Nhóm công tác về thẩm quyền: CGAP ghi nhận báo cáo Nhóm công tác về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền trong tranh chấp dân sự hoặc thương mại xuyên quốc gia và những kết quả mà Nhóm đã đạt được trong việc xây dựng, hoàn thiện nội dung dự thảo Công ước điều chỉnh về nội dung này. Trong năm 2023, Nhóm đã thảo luận về định nghĩa của các thủ tục song song và các vụ việc có liên quan và nội dung này, trao đổi về các nguyên tắc và cấu trúc cơ bản của dự thảo Công ước bao gồm quyền tự định đoạt/ thỏa thuận của các bên, thẩm quyền riêng biệt hoặc ưu tiên, xác định tòa án phù hợp hơn và cơ chế liên hệ giữa các cơ quan. Nhóm thống nhất nhận định rằng những vấn đề nêu trên được tiếp tục nghiên cứu thêm để xây dựng các quy định toàn diện, phù hợp hơn với cả hệ thống dân luật và thông luật. Trên cơ sở, báo cáo của Nhóm công tác, CGAP yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thêm, lưu ý việc phối hợp, tham vấn các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn cũng như các cơ quan tư pháp để có được đầy đủ cơ sở cũng như cách tiếp cận tổng quát từ đó hoạt động này tiến triển hơn và cập nhật báo cáo CGAP năm 2025.
Về dự án chung của HCCH-UNIDROIT về tài sản số và mã khóa: CGAP ghi nhận báo cáo của HCCH-UNIDROIT về dự án về tài sản số và mã khóa, bao gồm các kết luận tóm tắt về công việc có thể thực hiện trong tương lai về các vấn đề về tư pháp quốc tế liên quan đến tài sản số. Trước và trong Phiên họp một số nước Châu Âu, đặc biệt là Pháp bày tỏ những vấn đề quan ngại liên quan đến việc tiếp tục thực hiện dự án khi cách tiếp cận của Unidroit về một số vấn đề về tài sản số khác với cách tiếp cận chung của Châu Âu. Trên cơ sở ý kiến của đại diện các quốc gia thành viên tham gia Phiên họp và đề xuất của PB, CGAP thống nhất kết thúc Dự án.
Về các công việc liên quan đến các khía cạnh tư pháp quốc tế của tiền số của ngân hàng trung ương (CBDCs): Đại diện PB thông tin tại Phiên họp về kết quả thảo luận tại cuộc họp ngày 5/7/2023 và nội dung các chuyên gia cung cấp trong Tài liệu về phạm vi của dự án. Kết quả thảo luận và thông tin do các chuyên gia cung cấp chỉ ra các công việc tiếp theo cần tập trung vào hệ thống thanh toán xuyên biên giới có sử dụng và chuyển giao CBDCs: giải quyết các vấn đề về tư cách tiền tệ chính thức (chức năng phương tiện thanh toán) của CBDCs, các hệ thuộc liên quan đến trung gian giải quyết các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến CBDCs. Bên cạnh đó tài liệu được PB trình bày tại CGAP cũng cung cấp thông tin về hợp tác để sử dụng CBDCs trong hệ thống thanh toán xuyên biên giới, những phát triển mới của CBDCs dẫn đến bổ sung các biện pháp hạn chế các tính chất tương tự tiền mặt của CBDCs như tích lũy giá trị và hạn chế số lượng tối đa mà người dùng CBDCs có thể nắm giữ, đồng thời chỉ ra những điểm khác biệt không cho phép các cơ chế tư pháp quốc tế bình thường áp dụng với thanh toán tiền mặt có thể áp dụng với thanh toán bằng CBDCs. CGAP ghi nhận kết quả nghiên cứu về các khía cạnh tư pháp quốc tế của CBDCs và các vấn đề được mô tả liên quan đến hệ thống thanh toán số xuyên biên giới. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này, CGAP cũng yêu cầu thành lập Nhóm chuyên gia (EG) để nghiên cứu các vấn đề pháp lý và quyền tài phán hiện hành phát sinh từ việc sử dụng và thanh toán CBDCs.
Về tình hình thực hiện các công việc liên quan đến dự án kinh tế số: PB tiếp tục hợp tác với các tổ chức đặc biệt là UNCITRAL trong khuôn khổ Nhóm công tác 4 và 5 của UNCITRAL liên quan đến chủ đề này. Các khía cạnh tư pháp quốc tế của kinh tế số được xác định liên quan đến: (i) Các nền tảng số; (ii) Trí tuệ nhân tạo và các hợp đồng tự động; (iii) Các công nghệ nhập vai dẫn đến thêm các thách thức khác khi chúng có kết nối nhưng không rõ ranh giới giữa các vật thể số và thế giới thực. CGAP tiếp tục yêu cầu PB, tùy theo nguồn lực sẵn có, tiếp tục theo dõi sự phát triển trong nền kinh tế số liên quan đến nền tảng số, trí tuệ nhân tạo và hợp đồng tự động cũng như công nghệ nhập vai.
Về các vấn đề tư pháp quốc tế liên quan đến khóa số (Digital Tokens): Việc khóa số hóa cho phép các tài sản hữu hình và vô hình, các quyền và nghĩa vụ có thể được giới thiệu và lưu trữ điện tử trong các hệ thống phi tập trung hoặc phân tán nhưng hiện chưa có định nghĩa cụ thể. Nói cách khác việc khóa số hóa là đại diện số cho các giá trị hoặc quyền, góp phần giúp giao dịch nhanh và an toàn hơn trong bối cảnh xuyên biên giới. Tại Phiên họp, PB đã báo cáo về hai xu hướng thực hiện của nội dung này là: (i) khóa số hóa các tài sản trong thế giới thực hoặc (ii) tạo ra các quỹ số phát hành các cổ phần hoặc đơn vị được khóa số hóa để đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư.
Kết quả báo cáo của PB nhận định các hệ thống pháp luật khác nhau tiếp cận với vấn đề khóa số hóa các tài sản một cách khác nhau (thay đổi các hệ thống hiện thời hoặc xây dựng hệ thống pháp luật áp dụng với loại tài sản mới), tính chất điện tử của các khóa số dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các hệ thuộc thông thường.
Trên cơ sở đó, CGAP đã ủy quyền cho PB, hợp tác với các chuyên gia và quan sát viên, nghiên cứu các vấn đề tư pháp quốc tế có liên quan đến khóa số.
Về các khía cạnh tư pháp quốc tế về tái cấu trúc và phá sản: đây là hoạt động hợp tác được thực hiện nhiều năm giữa PB và Ban Thư ký UNCITRAL, tập trung vào nghiên cứu luật áp dụng trong thủ tục phá sản cũng như truy tìm và thu hồi tài sản dân sự trong thủ tục phá sản. Với những công việc đang triển khai và kết quả đạt được, CGAP khuyến khích PB tiếp tục hợp tác với Ban Thư ký UNCITRAL và UNIDROIT trong các dự án liên quan đến phá sản. CGAP cũng giao PB tiếp tục theo dõi các phát triển liên quan đến các vấn đề tư pháp quốc tế trong phá sản và tái cấu trúc, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến đối xử với các giao dịch số và tài sản số trong thủ tục phá sản và tái cầu trúc.
Các vấn đề tư pháp quốc tế liên quan đến thị trường các bon: PB đã báo cáo về tài liệu phân tích các điểm khác biệt giữa thị trường các bon vận hành theo cơ chế Cap-and-Trade (giới hạn tối đa và thương mại: mức phát thải tối đa trong một thời kỳ sẽ được xác định và các bên có thể mua bán giấy phép hoặc các hạn mức phát thải) và Baseline and Credit (mức cơ sở và tín chỉ: thị trường dựa trên các dự án bù trừ hoặc giảm thiểu phát thải tạo ra các tín chỉ các bon sau khi đo lường để mua bán dựa trên mức cơ sở), thị trường các bon tuân thủ (thường vận hành theo cơ chế Cap and Trade) và thị trường các bon tự nguyện (thường vận hành theo cơ chế Baseline and Credit), từ đó xác định các vấn đề tư pháp quốc tế có thể phát sinh, xác định các dự án đang được tiến hành liên quan đến vấn đề tư pháp quốc tế đối với thị trường các bon. Tài liệu nghiên cứu nhận định các vấn đề tư pháp quốc tế có thể phát sinh liên quan đến một giao dịch trên thị trường các bon do nguồn gốc và bản chất của các dự án các bon liên quan dẫn đến nhiều hệ thuộc khác nhau có thể áp dụng.
Ngoài ra các vấn đề pháp lý phức tạp có thể phát sinh do nhiều yếu tố khác như: việc chứng nhận số các đơn vị các bon, khóa số hóa các đơn vị này, hủy bỏ các đơn vị các bon và việc sử dụng các đơn vị này trong các giao dịch chứng khoán xuyên quốc gia và thủ tục phá sản.
Kết luận về nội dung này, CGAP giao cho PB hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan và các quan sát viên nghiên cứu về các khía cạnh tư pháp quốc tế của thị trường các bon. Đồng thời phối hợp với Ban Thư ký của UNCITRAL, UNIDROIT, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các tổ chức quốc tế liên quan khác về các dự án của họ liên quan đến tín dụng các bon tự nguyện. Tuy nhiên hoạt động này cần căn cứ vào nguồn lực hiện có.
2. Hoạt động liên quan đến các Công ước của HCCH
Cập nhật thông tin Công ước về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế năm 1980 (Công ước năm 1980) và Công ước năm 1996 về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em (Công ước năm 1996):
CGAP đã thông qua các Kết luận và Khuyến nghị của Cuộc họp lần thứ tám của Ủy ban Đặc biệt (SC) về Công ước năm 1980 và Công ước năm 1996.
CGAP đã uỷ quyền cho PB thành lập hai Nhóm công tác liên quan đến Công ước năm 1996. Nhóm công tác đầu tiên sẽ hoàn thiện thông tin quốc gia liên quan đến Công ước năm 1996 và sau đó tiến hành xây dựng dự thảo Mẫu đề xuất yêu cầu hợp tác, trong khi Nhóm công tác thứ hai sẽ tập trung vào việc thực hiện Điều 33 của Công ước bằng cách trước tiên xây dựng Mẫu và xây dựng Hướng dẫn áp dụng Điều 33.
Bên cạnh đó, CGAP ủng hộ việc tổ chức Diễn đàn về Bạo lực Gia đình và Thực hiện Điều 13(1)(b) của Công ước năm 1980 vào tháng 6 năm 2024.
Về kế hoạch cho phiên họp tiếp theo của Uỷ ban đặc biệt về Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt năm 1965), Công ước tiếp cận công lý, Công ước năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ năm 1970): CGAP đã phê duyệt thành lập hai Nhóm công tác để xem xét và hoàn thiện các cập nhật cho Sổ tay và Hồ sơ quốc gia liên quan đến Công ước tống đạt năm 1965 và Công ước thu thập chứng cứ năm 1970. Phiên họp SC sẽ được tổ chức từ 02-05/7/2024. Sau Phiên họp và sau khi các Nhóm công tác hoàn thiện, dự thảo Sổ tay và Hồ sơ quốc gia sẽ được đệ trình lên CGAP 2025 để phê duyệt.
Cập nhật thông tin về Công ước miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài (Apostille): PB thông tin về việc Sổ tay mới về Công ước đã được đăng tải trên trang thông tin của HCCH trong năm 2023. eAPP (Apostille điện tử) cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các quốc gia, không chỉ ban hành dấu Apostille điện tử mà còn thiết lập đăng ký điện tử. Bên cạnh đó, PB cũng tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về Công ước và việc tăng cường sử dụng Công ước dưới nhiều hình thức khác nhau.
Diễn đàn quốc tế về Apotille điện tử dự kiến tổ chức tại Astana, Kazakhstan, CGAP cũng khuyến khích các quốc gia thành viên tham dự và liên hệ với PB trong trường hợp quan tâm đến dịch Sổ tay.
Ngoài các Công ước nêu trên, CGAP thảo luận và thông qua báo cáo của PB về các nội dung liên quan đến Công ước cấp dưỡng trẻ em năm 2007 và Nghị định thư về cấp dưỡng; Công ước tín thác năm 1985, Công ước nuôi con nuôi quốc tế năm 1993, Công ước phán quyết năm 2019. Bên cạnh đó, CGAP còn thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề ngân sách, quản trị tổ chức, hoạt động của các Văn phòng đại diện khu vực…
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế.