Tham gia tích cực, hiệu quả, thực chất vào hoạt động của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

15/12/2023
Tham gia tích cực, hiệu quả, thực chất vào hoạt động của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế
Sáng 15/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH). Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì Hội nghị.
Nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và tại Hội nghị La Hay
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, trong 10 năm gia nhập và thực thi quyền, nghĩa vụ thành viên HCCH, Việt Nam đã chủ động, tích cực khai thác được những lợi ích để hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực, tăng cường vai trò của mình trong hợp tác khu vực và quốc tế. Việc tham gia hiệu quả, thực chất vào các hoạt động của HCCH và thực thi các Công ước của Hội nghị không chỉ tạo dựng hình ảnh thân thiện của Việt Nam với thế giới và khu vực mà còn thực sự mang đến những thay đổi, cải cách tích cực hệ thống pháp luật và tư pháp trong nước. Cụ thể, các văn bản pháp luật trong nước và tư pháp quốc tế đã có những đổi mới quan trọng theo hướng hiện đại, hội nhập, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
 

Đồng chí Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết 10 năm Việt Nam trở thành thành viên HCCH.

Đối với 3 Công ước mà Việt Nam là thành viên (Công ước Tống đạt, Công ước Thu thập chứng cứ, Công ước về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Công ước con nuôi)), Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ cơ quan trung ương thông qua kết nối, thiết lập quan hệ, trao đổi trực tiếp với cơ quan trung ương của các quốc gia thành viên.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến và áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong nước về tư pháp quốc tế và các Công ước của HCCH, công tác tương trợ tư pháp về dân sự và giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài cũng có những bước tiến đáng kể, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc và những vấn đề pháp lý phát sinh từ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của các đương sự.
Việc tham gia các hoạt động thường niên của Hội nghị, nghiên cứu các Công ước của Hội nghị được duy trì, ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề Việt Nam quan tâm. Hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam đã được tăng cường.
Nhìn chung, các cơ quan có liên quan ở cả Trung ương và địa phương đã bước đầu có sự chuyển biến trong nhận thức ở về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của HCCH, các Công ước của HCCH. Đặc biệt, việc gia nhập và thực thi tốt các Công ước Việt Nam là thành viên và tích cực tham gia, tổ chức các diễn đàn, hội thảo trao đổi chuyên môn về HCCH và các Công ước của HCCH đã góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và tại Hội nghị. Việc kết nối giữa HCCH và ASEAN có tác động nhiều mặt, vừa triển khai Sáng kiến ASEAN về tương trợ tư pháp của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác pháp luật giữa khu vực và HCCH, vừa trực tiếp thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, đồng thời thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, đối tác có trách nhiệm trong công đồng quốc tế. Ban thư ký HCCH và ASEAN, các nước thành viên HCCH và ASEAN đều đánh giá cao, ủng hộ và tham gia tích cực với các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam.
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện gia nhập một số Công ước của HCCH mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác quốc tế
 
Đại diện Bộ Ngoại giao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận về tác động, ý nghĩa của việc gia nhập HCCH đối với hoạt động của các đơn vị. Cụ thể, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, sau khi gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ, các hồ sơ, văn bản được tống đạt trực tiếp đến các nước thành viên công ước thay vì qua con đường ngoại giao; từ đó cắt giảm thời gian, chi phí, nhân lực.


Đại diện Toà án nhân dân tối cao.

Còn đại diện Toà án nhân dân tối cao đánh giá việc gia nhập và thực hiện Công ước tống đạt giấy tờ và Công ước thu thập chứng cứ có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực, hoạt động, trong đó đáng chú ý là công tác xét xử, giải quyết của Tòa án đối với vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài; tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, giải quyết loại vụ việc này so với thời điểm trước khi gia nhập các công ước nêu trên. Cụ thể, việc gia nhập, thực hiện Công ước tống đạt giấy tờ và Công ước thu thập chứng cứ đã góp phần giảm thời gian Tòa án chờ đợi thông báo kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài; giảm tình trạng Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chờ kết quả ủy thác tư pháp.
 

Đại diện Vụ Con nuôi.


Đại diện Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.


Đại diện Đại học Luật Hà Nội.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến trao đổi tâm huyết, chất lượng của đại biểu. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình 10 năm thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên HCCH, đồng thời đảm bảo thực hiện mục tiêu khi Việt Nam gia nhập công ước cũng việc triển khai các nhiệm vụ phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay, đồng chí đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp; tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia về tư pháp quốc tế; đồng thời tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức nâng cao kiến thức chuyên môn về tư pháp quốc tế.
 

Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế kết luận Hội nghị.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin