Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác HTPL cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 cho các tỉnh miền Trung

24/11/2023
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác HTPL cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 cho các tỉnh miền Trung
Ngày 24/11/2023 tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” cho các tỉnh miền Trung. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025; đại diện pháp chế các Sở, ban ngành; hội luật gia, đoàn luật sư, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (tham gia trực tiếp) cùng các đại biểu ở các tỉnh miền trung (tham gia trực tuyến) như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk… cùng phóng viên các cơ quan báo, đài, truyền hình đưa tin về Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Cao Đăng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025 cho rằng Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai đồng bộ Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp liên quan để: phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phố hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giới thiệu cho các đại biểu về các nội dung chính của Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TS. Trần Minh Sơn – Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trao đổi về các hoạt động và mục tiêu cụ thể như hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; ...
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh trao đổi tại Hội nghị, để đạt được mục tiêu Đề án 345, các nhiệm vụ của đề án cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật; triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp…
Đồng chí Trà Đình Huân - đại diện Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình thống nhất cho rằng, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của tỉnh Quảng Bình thông qua việc ban hành các kế hoạch triển khai các hoạt động này trong thời gian qua, bảo đảm mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Tỉnh Quảng Bình luôn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, góp phần xây dựng tỉnh. Việc triển khai đồng bộ Quyết định số 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đại diện tỉnh Quảng Bình cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp liên quan để: phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phố hợp liên ngành hiện nay cũng như huy động được các nguồn lực trong xã hội.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai cho rằng, để triển khai Đề án 345 cần quy định về mạng lưới tư vấn viên pháp luật đầy đủ các đối tượng, quy định về hồ sơ rõ ràng; quan tâm mức chi phí hỗ trợ tư vấn pháp luật, khuyến khích các luật sư tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, hiện nay thủ tục hành chính theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP còn phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, không muốn tiếp cận hỗ trợ tư vấn pháp luật; nhiều doanh nghiệp e ngại khả năng lộ bí mật kinh doanh do phải gửi cho cơ quan nhà nước nội dung văn bản tư vấn pháp lý để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được các doanh nghiệp quan tâm, biết đến rộng rãi để tạo sức lan tỏa. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chủ động trong việc tiếp cận thông tin về pháp luật, chưa chủ động đề nghị hỗ trợ pháp lý.
Hội nghị cùng trao đổi về thống nhất, để các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự đi vào thực tế, phát huy hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, theo hướng coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là trung tâm chủ động trong việc yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho mình; cụ thể hóa các giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP theo hướng dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, ngành nghề và lĩnh vực, để doanh nghiệp có thể tiếp cận và được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Qua Hội nghị cho thấy nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi định mức tài chính cho hoạt động hỗ trợ pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bản pháp luật, vụ việc, vướng mắc pháp lý theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Lồng ghép các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các chương trình, đề án. Tăng cường nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, vật chất, tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có cơ chế thu hút sự tham gia của các luật sư, tham gia hỗ trợ công tác này; bản thân mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nêu cao ý thức chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp./.