Ngày 13/10/2023 Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp là các thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các bộ, ngành:, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế… và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Các thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến cụ thể các nội dung sau của Dự thảo Nghị định:
Một là, về đối tượng xét tặng: Chuyển đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy theo quy định của chế độ làm việc sang cùng nhóm đối tượng là giáo viên, giảng viên do cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng tham gia giảng dạy đủ định mức giờ dạy theo quy định, thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường như quy định của Luật Giáo dục. Tại các hội nghị xin ý kiến về dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã đề nghị chuyển nhóm cán bộ quản lý cơ sở sang nhóm giáo viên, giảng viên để đảm bảo sự công bằng và đánh giá đúng những đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Nội dung này cũng phù hợp với quy định xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”: Thầy thuốc trong thời gian làm quản lý y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất dược phẩm, nghiên cứu y dược, phòng chống dịch bệnh vẫn trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật thì thời gian là quản lý đó được tính là thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật, y tế.
Hai là, về kinh phí tổ chức xét tặng: Quy định chi tiết hơn các hoạt động và mức chi xét tặng của các cấp hội đồng để các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện. Cơ quan soạn thảo đề xuất các nội dung chi và mức chi tối đa, đồng thời quy định hội đồng các cấp căn cứ vào nguồn ngân sách để quy định mức chi cho phù hợp với thực tế tại địa phương, đơn vị nhằm tạo điều kiện cho các cấp hội đồng có cơ sở lập dự trù kinh phí khi tổ chức xét tặng
Ba là, về tiêu chuẩn chủ biên giáo trình: Bổ sung các thành tích thay thế gồm: Đồng chủ biên 02 giáo trình môn học; chủ biên 01 sách chuyên khảo; tác giả chính 02 sách chuyên khảo, chủ biên tài liệu tập huấn, chủ trì biên soạn chương trình bồi dưỡng đào tạo cán bộ cấp chiến lược, tác giả báo cáo kiến nghị cấp bộ, ngành, báo cáo kiến nghị được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng nhằm tạo điều kiện cho giảng viên có thêm thành tích khi xét tiêu chuẩn này.
Bốn là, về tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ: Hiện nay không phải trường đại học nào, ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nhất là đối với các trường đại học tư thục, trường đại học trực thuộc địa phương. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: bồi dưỡng học sinh, sinh viên giỏi cấp quốc gia, quốc tế, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp bộ, cấp trường nhằm tạo điều kiện cho các nhà giáo thuộc trường đại học thuộc địa phương có cơ hội tham gia xét tặng.
Năm là, về tiêu chuẩn bài báo khoa học: Tăng tiêu chuẩn 10 bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế (Nghị định số 27 quy định 05 bài báo) và có quy định đồng tác giả các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước; kỷ yếu hội thảo quốc gia, quốc tế có phản biện.
Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: về tổ chức, nguyên tắc, trách nhiệm các cấp của hội đồng; thành phần, số lượng, nhiệm vụ và thời hạn xử lý hồ sơ của từng cấp hội đồng
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị định. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định./.