Tiếp tục triển khai thực hiện rà soát văn bản QPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội

18/08/2023
Tiếp tục triển khai thực hiện rà soát văn bản QPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội
Sáng 16/8/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp phiên thứ hai về triển khai thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Tham dự có đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng chí Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội, đại diện tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Được sự uỷ quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 11 tháng 8 năm 2023 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ phó thường trực, cũng như đã cung cấp thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như: Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn hướng dẫn mẫu đề cương Báo cáo, Phụ lục tổng hợp, chủ động tổng hợp bước đầu một số các Phụ lục kết quả rà soát trên các lĩnh vực như: đấu thầu, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đầu tư, đầu tư công, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách, thuế, … để lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị có liên quan.
 

 
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng chí Đỗ Đức Hiển - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có ý kiến về phạm vi, cách thức thực hiện nhiệm vụ rà soát để đảm bảo tiến độ giữa các khâu. Đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an, Tài nguyên và Môi trường… phát biểu tham gia ý kiến đối với các tài liệu, Phụ lục do Bộ Tư pháp chuẩn bị. Theo đó, các bộ, ngành nhận thấy, Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để có thể nhanh chóng đưa ra các định hướng, hướng dẫn, giúp các bộ, ngành và các đơn vị định hình được nhiệm vụ, phạm vi một cách cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, đại diện các bộ, ngành, các đơn vị liên quan cũng nêu một số các khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện do khối lượng công việc lớn, phạm vi rộng, thời gian xử lý lại rất ngắn và thống nhất một số công việc cần thực hiện khẩn trương trong thời gian tiếp theo để đảm bảo hoàn thành báo cáo của Chính phủ hiệu quả, đúng thời hạn. 
 

 
Kết luận cuộc họp, đồng chí Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, tổ chức có liên quan trong quá trình rà soát, cho ý kiến đánh giá và đề xuất phương án xử lý kết quả rà soát. Trên cơ sở cuộc họp này, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ, ngành, bảo đảm bám sát 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, cũng như nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung để các Bộ, ngành lưu ý khai thác hiệu quả kết quả rà soát văn bản hiện có, cập nhật những nội dung mới, chưa được đề cập trong các Báo cáo liên quan, cũng như chủ động phân loại, loại bỏ trước những kiến nghị không chính xác, không xuất phát từ vướng mắc, bất cập của pháp luật./.
 
Lưu Vân Hương