Triển khai thực hiện Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại

14/08/2023
Triển khai thực hiện Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại
Sáng ngày 10/8/2023, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội nghị khoa học “Triển khai thực hiện Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại”. PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp và TS. Bùi Nguyễn Phương Lê - Trưởng Khoa Đào tạo các chức danh Thi hành án dân sự đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng của Học viện Tư pháp.
Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã xác định thí điểm đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại là một trong những nhiệm vụ của Học viện Tư pháp giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025. Để thực hiện nhiệm vụ này, Học viện Tư pháp đã xây dựng Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại. Chương trình được phê duyệt theo Quyết định số 2521/QĐ-BTP ngày 23/12/2022 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình khung đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại.
 

 
Với mục tiêu nhằm trang bị cho người học đạo đức, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng, có đạo đức, kỹ năng hành nghề cơ bản, tạo nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên, Thừa phát lại, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư pháp, bổ trợ tư pháp, phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại là một chương trình đào tạo mới với rất nhiều ưu điểm vượt trội.
Một trong những ưu điểm nổi bật của chương trình là sau khi tốt nghiệp, người học được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, đào tạo nghề thừa phát lại (Chứng chỉ này có giá trị tương đương với 02 chứng chỉ là chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự và chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề thừa phát lại), việc tích hợp cả hai chương trình đào tạo trong một khóa học sẽ giúp người học tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo hơn nhiều so với học từng chương trình riêng lẻ. Học viên có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp tại nhiều vị trí khác nhau như: Chấp hành viên, Chuyên viên tổ chức thi hành án tại các cơ quan thi hành án dân sự; Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ tại các Văn phòng Thừa phát lại; tư vấn, đại diện cho đương sự trong các việc thi hành án dân sự…
Khung chương trình được thiết kế hợp lý với số lượng tín chỉ phù hợp, nội dung đào tạo phong phú, trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất như kiến thức về cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại; nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Thừa phát lại; các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Chấp hành viên, Thừa phát lại; kỹ năng tống đạt, thông báo và xác minh điều kiện thi hành án, kỹ năng áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án,  kỹ năng lập vi bằng…
Hội nghị khoa học “Triển khai thực hiện Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại” được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn khoa học nhằm tập hợp ý kiến đóng góp của các giảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu nghe Báo cáo về quá trình xây dựng và nội dung Chương trình chi tiết đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại, thuyết minh phương pháp giảng dạy được áp dụng đối với chuyên đề lý thuyết và phương pháp giảng dạy được áp dụng đối với chuyên đề tình huống. Các đại biểu cũng thảo luận cách thức triển khai hoạt động kiến tập, thực tập; cách thức xây dựng đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy và hệ thống học liệu Chương trình chi tiết đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại.
Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các giảng viên, chuyên gia pháp lý. Kết quả của Hội nghị là một trong những cơ sở để Học viện Tư pháp triển khai hiệu quả Chương trình chi tiết đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại.
Thanh Hương