Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm

02/08/2023
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm
Ngày 29 tháng 6 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Quyết định số 1225/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Quyết định số 1225/QĐ-BTP). Quyết định này thay thế Quyết định số 3018/QĐ-BTP ngày 13/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
 

 
 
Chức năng của Cục được bổ sung và điều chỉnh
Theo Quyết định số 1225/QĐ-BTP, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; thực hiện các dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin biện pháp bảo đảm và giao dịch, tài sản khác theo thẩm quyền và thủ tục được pháp luật quy định. Việc bổ sung các chức năng này nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và các quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp.
 
Nhiều nhiệm vụ mới được giao cho Cục
Theo Quyết định số 1225/QĐ-BTP, Cục được Bộ trưởng giao thực hiện 18 nhiệm vụ. Trong đó, có các nhiệm vụ quan trọng được bổ sung như xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hướng dẫn áp dụng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; thực hiện cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định về pháp luật tố tụng, pháp luật về thi hành án dân sự; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể như sau:
Một là, nhóm nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế có sự nhấn mạnh, làm rõ hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật ở cấp chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. Bên cạnh đó, Cục còn được giao thêm một số nhiệm vụ mới như: hướng dẫn áp dụng pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật, chủ trương, chính sách trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất và pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. Những nhiệm vụ mới được bổ sung này đòi hỏi Cục phải nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quản lý vĩ mô có tính chiến lược nhằm kiện toàn hơn nữa khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm mà trước mắt là nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời, Cục cần nghiên cứu, đổi mới về nội dung và cách thức triển khai các nhiệm vụ nêu trên theo hướng áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, bảo đảm hiệu lực, khả thi trong quản lý nhà nước, trong cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng kịp thời cho sự phát triển về kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.
Hai là, bổ sung nhiệm vụ cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Trước yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong thời gian qua, trong năm 2022, Cục đã giải quyết cho hơn 1.000 trường hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định. Dự kiến số lượng cung cấp thông tin này sẽ tăng gấp hai, ba lần so với năm 2022 trong các năm tiếp theo. Việc cung cấp thông tin này không chỉ liên quan đến bên bảo đảm mà liên quan đến cả bên nhận bảo đảm, tài sản bảo đảm, số lượng thông tin lên đến hàng nghìn giao dịch. Kết quả cung cấp thông tin này đóng góp tích cực, hiệu quả, giảm thiểu thời gian, rủi ro, chi phí cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền, người dân, doanh nghiệp trong giải quyết vụ việc về tài sản, giao dịch trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự và thi hành án dân sự.
Ba là, bổ sung nhiệm vụ chuyển đổi số, hệ thống lại nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền của Cục hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Nhiệm vụ này được Bộ trưởng giao cho Cục để phù hợp với các quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP khi Nghị định này quy định cụ thể về việc cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền; việc xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống đăng ký trực tuyến;… để đáp ứng yêu cầu về phát triển Chính phủ số, yêu cầu về xây dựng Tòa án điện tử, số hóa công tác thi hành án dân sự và để đảm bảo hơn về sự thuận lợi, hiệu quả, chi phí thấp trong công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng hoặc theo thủ tục thi hành án dân sự. Trong thời gian hiện tại, Bộ Tư pháp đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, trong đó có lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, với hệ thống đăng ký tài sản, giao dịch khác có liên quan, với hệ thống cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử, Thi hành án điện tử và các cơ quan có thẩm quyền khác về tiến hành tố tụng, quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính liên quan là nhiệm vụ cần thiết hiện nay được giao cho Cục.
Bốn là, bổ sung nhóm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
Mặc dù trước đây, nhóm các nhiệm vụ nêu trên vẫn được Cục thực hiện, tuy nhiên, chưa được quy định cụ thể trong Quyết định số 3018/QĐ-BTP. Tại Quyết định số 1225/QĐ-BTP, nhóm nhiệm vụ này được giao cho Cục để thực hiện nhằm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực do Cục phụ trách.
Ngoài các nhóm nhiệm vụ có sự bổ sung, điều chỉnh nêu trên, Cục tiếp tục thực hiện trách nhiệm quản lý về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thực hiện cung cấp dịch vụ công trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm và giao dịch, tài sản khác theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục tiếp tục được giao thực hiện các nhóm nhiệm vụ như hợp tác quốc tế, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật, tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua - khen thưởng thực hiện chế độ báo cáo, chế độ tài chính và quản lý tài sản công và các nhiệm vụ quản lý khác theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
Đổi mới về cơ cấu tổ chức để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Về cơ cấu tổ chức của Cục, ngoài 02 Phòng và 03 đơn vị sự nghiệp công lập như Quyết định số 3018/QĐ-BTP đã quy định, thì Quyết định số 1225/QĐ-BTP còn quy định bổ sung thêm 01 Phòng là Phòng Quản lý đăng ký trực tuyến và thông tin dữ liệu về biện pháp bảo đảm. Đây là đơn vị giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước với 05 nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Cục, cụ thể: (i) Xây dựng thể chế, hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra trong hoạt động đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm; (ii) Cung cấp thông tin hoặc tham gia với tư cách là người có quyền lợi liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng, pháp luật thi hành án để giải quyết vụ việc cụ thể trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền; cung cấp thông tin để phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án dân sự có liên quan; (iii) Quản lý, vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến và chuyển đổi số về đăng ký biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các Trung tâm Đăng ký trong việc sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến; (iv) Cấp tài khoản đăng ký trực tuyến cho cá nhân, tổ chức để thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm trên hệ thống trực tuyến, cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin trên hệ thống trực tuyến theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật; (v) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm, bao gồm tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia, với hệ thống đăng ký tài sản, giao dịch khác có liên quan, với hệ thống cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử, Thi hành án điện tử...
 Bên cạnh đó, Phòng Quản lý đăng ký trực tuyến và thông tin dữ liệu về biện pháp bảo đảm còn thực hiện các nhiệm vụ như: tham gia vào quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; trực tiếp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống đăng ký trực tuyến; hướng dẫn, tập huấn cho các cá nhân, tổ chức sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến…
Ngoài các nhiệm vụ chính nêu trên, thực hiện yêu cầu của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tư pháp về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, trong thời gian tới, Phòng Quản lý đăng ký trực tuyến và thông tin dữ liệu về biện pháp bảo đảm được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và thực hiện hoàn thiện việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc phạm vi quản lý của Cục như xây dựng ứng dụng đăng ký đa phương tiện (app) trên thiết bị di động, mở rộng thêm các phương thức thanh toán như thanh toán qua các ứng dụng ví điện tử;,…

 
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm