Thực hiện Kế hoạch công tác năm của Vụ Con nuôi-Bộ Tư pháp, trong khuôn khổ dự án hợp tác Tăng cường tư pháp đối với người chưa thành niên tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023 do cơ quan UNICEF tại Việt Nam tài trợ, Vụ Con nuôi đã nghiên cứu, dự thảo đề án thành lập và triển khai mô hình hỗ trợ việc nuôi con nuôi trong nước theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2121-2030.
Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự hỗ trợ của cơ quan UNICEF tại Việt Nam, Vụ Con nuôi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo mô hình, ngày 21/7/2023 tại tỉnh Ninh Bình.
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Con nuôi cùng với sự tham dự của đại diện 18 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 03 Phòng Tư pháp và 07 xã, phường của tỉnh Ninh Bình.
Theo các báo cáo viên của Vụ Con nuôi, để có thể xây dựng Đề án, Vụ Con nuôi đã tiếp nhận được 1036 ý kiến góp ý dự thảo mô hình hỗ trợ việc nuôi con nuôi trong nước, bao gồm 806 ý kiến trực tuyến từ 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan và 230 ý kiến khảo sát trực tiếp tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận.
Tại Hội nghị, Bà Phạm Thị Kim Anh, Phó Vụ trưởng cho biết trong khuôn khổ Công ước La Hay số 33 mà Việt Nam là thành viên, thành lập và phát triển dịch vụ tham vấn, hỗ trợ việc nuôi con nuôi là trách nhiệm của các nước thành viên. Việc xây dựng mô hình hỗ trợ việc nuôi con nuôi là có cơ sở nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác nuôi con nuôi và phòng tránh những trường hợp nuôi con nuôi thất bại.
Đại biểu Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng đã nêu trong tham luận những khó khăn gặp phải trong công tác nuôi con nuôi khi không có mô hình hỗ trợ và không có sự tham gia với vai trò hỗ trợ của các viên chức chuyên ngành công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em; đồng thời góp ý dự thảo mô hình cho phù hợp với thực tiễn. Hội nghị còn lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham dự ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở.
|
|
Nhìn chung, các đại biểu tán thành cao tính cần thiết của dịch vụ hỗ trợ việc nuôi con nuôi trong nước vì dịch vụ này sẽ hỗ trợ trực tiếp người dân và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tạo điều kiện để người nhận con nuôi dễ dàng thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần xây dựng một mô hình hỗ trợ có thể kiểm soát được, có thể ngoài công lập và phải phù hợp với thực tiễn của nước ta, gần dân và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính của mô hình là những nội dung quan trọng được đặt ra. Trong thời gian tới, trước khi sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về nuôi con nuôi thì phương án huy động sự hỗ trợ của đội ngũ viên chức chuyên ngành công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi có thể là phương án thuận lợi hơn.
|
|
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Vụ trưởng Vụ Con nuôi đã cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu tham dự. Vụ Con nuôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung Dự thảo mô hình hỗ trợ nuôi con nuôi trong nước./.