Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, ngày 21/7/2023, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về “Hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo” tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng chí Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan và một số cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra tỉnh Thừa thiên Huế, Ủy ban nhân dân thành phố Huế, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Thừa thiên Huế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế... Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các nghiên cứu sinh, học viên quan tâm đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe các tham luận, như: Khái quát về sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và một số đề xuất, kiến nghị; quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo: các xu hướng chính hiện nay trên thế giới; trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo...
Sau khi nghe các tham luận, các đại biểu đã chia sẻ và thông tin về thực tiễn ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, như: hệ thống quản lý dữ liệu, bảo tàng số, sàn giao dịch công nghệ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có tranh chấp liên quan đến trí tuệ nhân tạo nhưng cần thiết phải có sự nghiên cứu thấu đáo các vấn đề pháp lý để giải quyết các vụ việc bồi thường thiệt hại do trí tuệ nhân tạo gây ra trong tương lai. Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về vai trò của dữ liệu, dữ liệu cá nhân; sự cần thiết phải bảo hộ các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra; ứng dụng của Công nghệ ChatGPT; chủ thể nào phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại, rủi ro do Trí tuệ nhân tạo gây ra;...
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tham gia ý kiến của các đại biểu trong việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến Trí tuệ nhân tạo. Bộ Tư pháp - cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Báo cáo về xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới Trí tuệ nhân tạo, sẽ tổng hợp các thông tin tại Hội thảo để nghiên cứu, xây dựng Báo cáo theo đúng tiến độ đề ra.