Giải quyết khiếu kiện hành chính trong quân đội: Thẩm quyền thuộc tòa nào?

29/05/2008
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng qua (28/5), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì buổi làm việc giữa đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, TANDTC, TAQSTW, VKSQSTW về vấn đề giải quyết các khiếu kiện hành chính trong quân đội. Vấn đề được các bên quan tâm là thẩm quyền và qui trình giải quyết đối với các khiếu kiện này vì quân đội là một lực lượng đặc thù trong xã hội, lại có hệ thống toà án và viện kiểm sát riêng.

Ngày 28/3/2008, sau khi có ý kiến tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã có Tờ trình số 1489/BQP-TTr gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị chưa đưa các khiếu kiện hành trong Quân đội ra xét xử tại TAND. Theo đó, để thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hai cấp như qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Bộ Quốc phòng đang tổ chức soạn thảo “Thông tư hướng dẫn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Quân đội”. Tuy nhiên, do đặc thù về tổ chức của Quân đội tuỳ thuộc theo ngành dọc, không đồng nhất với hệ thống hành chính các cấp nên việc người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại TAND còn gặp khó khăn, hệ thống TAQS lại chưa được giao thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính; do đó, nếu đưa các vụ án hành chính trong Quân đội ra xét xử tại TAND như qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hiện hành là chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ trình UBTVQH có văn bản hướng dẫn cách giải quyết đối các khiếu kiện hành chính liên quan đến Quân đội theo hướng: trong khi Quốc hội chưa giao thẩm quyền xét xử  các vụ án hành chính trong Quân đội cho các TAQS, các khiếu nại quyết định hành chính thuộc thẩm quyền của người chỉ huy các cấp trong Quân đội giải quyết theo hai cấp như qui định của Luật Khiếu nại, tố cáo; nhưng chưa đưa ra xét xử tại TAND.

Ý kiến của ông Đặng Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ PLHSHC (Bộ Tư pháp) cho rằng, nếu tăng thẩm quyền cho TAQS thì sẽ dẫn đến việc “phình” mô hình tổ chức hệ thống cơ quan này. Như vậy không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Hơn nữa, trong khi 75% quyết định hành chính là do lực lượng công an (cũng là lực lượng vũ trang) ban hành nhưng vẫn có thể bị khiếu kiện ra TAND, thì không thể qui định giải quyết các khiếu kiện hành chính trong Quân đội tại TAQS. Đồng thời, nếu chỉ qui định cho người dân được khiếu kiện theo hai cấp là không phù hợp với qui định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Ông Trần Văn Tú – Phó Chánh án TANDTC – cho biết, cho đến nay, hệ thống TAND mới thụ lý, giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính liên quan đến các quyết định hành chính của lực lượng vụ trang thì chủ yếu là của lực lượng công an. Vì vậy, để thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, trong đó yêu cầu “nghiên cứu, phân định hoạt động của TAQS”, các bên cần đưa ra những giải pháp cho vấn đề này căn cứ trên cơ sở lý luận và thực tiễn.

Do đó, theo ông Nguyễn Quốc Việt – Vụ trưởng Vụ PLHSHC (Bộ Tư pháp), với việc các bên cơ bản nhất trí với đề nghị của Bộ Quốc phòng về hướng giải quyết các khiếu kiện hành chính trong Quân đội nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ sớm làm văn bản ghi nhận các ý kiến và kiến nghị lên UBTVQH xem xét sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Pháp lệnh Tổ chức TAQS. Trước mắt, sẽ kiến nghị để Quốc hội quyết định việc giao thẩm quyền xét xử các khiếu kiện hành chính trong Quân đội cho TAND hay TAQS để bảo đảm quyền lợi của công dân, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO./.

Huy Long