Ngày 17 tháng 5 năm 2008, Viện Khoa học pháp lý phối hợp với Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng thẩm định đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng UBND, Sở Tư pháp, phòng Tư pháp các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Hội thảo đã được nghe tham luận của các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Văn phòng UBND và một số sở chuyên ngành ở các tỉnh. Đặc biệt với sự tham gia của đ/c Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hội thảo được có thêm nhiều thông tin, trao đổi xung quanh chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương cũng như những kinh nghiệm quý báu trong công tác thẩm định dự thảo văn bản ở Bộ Tư pháp.
Bên cạnh việc trao đổi, phân tích làm rõ những nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, hội thảo đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận đối với các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản. Cụ thể như các ý kiến thảo luận đề xuất: Cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống tiêu chí đánh giá như thế nào là một dự thảo VBQPPL đạt yêu cầu để làm cơ sở đánh giá chất lượng nội dung thẩm định. Qua đó khẳng định rõ tính bắt buộc và giá trị của văn bản thẩm định đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL. Cần tăng cường vị trí, vai trò của người đứng đầu cơ quan tư pháp trong quản lý Nhà nước về công tác xây dựng và thẩm định VBQPPL. Theo đó, cần xác định người đứng đầu cơ quan tư pháp phải là thành viên UBND cùng cấp nhằm nâng cao chất lượng VBQPPL do UBND ban hành hoặc trình HĐND cùng cấp thông qua. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin cần thiết cho việc xây dựng và thẩm định VBQPPL. Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đề xuất cần xây dựng chức danh “Thẩm định viên” cho đội ngũ công chức trực tiếp thực hiện thẩm định dự thảo VBQPPL.
Nên có cơ chế, chính sách huy động các luật gia, chuyên gia am hiểu vấn đề chuyên môn thuộc nội dung dự thảo tham gia thẩm định. Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đề xuất cần có quy định chế tài xử lý trách nhiệm đối với việc vi phạm trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành VBQPPL. Cần tập trung vào việc bổ sung kiến thức chuyên ngành, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật. Đây là một điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, chất lượng công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đúng mức lĩnh vực thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các điều ước quốc tế trong điều kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ưu tiên và chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật quốc tế ...
Chủ trì Hội thảo, đ/c Lương Nguyệt Thu – Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã nhấn mạnh đến yếu tố con - người trong công tác thẩm định. Với tính chất của công việc thẩm định đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của những cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác thẩm định. Bên cạnh năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ làm công tác thẩm định cần có kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao và thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học.
Kết luận Hội thảo, TS Dương Thị Thanh Mai đã đánh giá cao nội dung những tham luận và ý kiến tham gia của các đại biểu. Việc khẳng định công tác thẩm định văn bản là hoạt động “giám định chất lượng” nhằm gia tăng giá trị của dự thảo văn bản, do đó nâng cao chất lượng văn bản nói riêng và chất lượng hệ thống văn bản nói chung. Qua những khó khăn, bất cập xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan cần phải được nhìn nhận một cách tổng thể để có giải pháp khắc phục toàn diện, đạt hiệu quả lâu dài. Đồng thời TS Mai cũng đã thông tin thêm một số chủ trương, kế hoạch của Bộ Tư pháp nhằm thiết thực nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung và ở địa phương nói riêng./.
Tạ Tự Bình