Ngày 18/5, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Tọa đàm “Trao đổi về tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và việc thực hiện Quyết định số 407 ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ VHTTDL”.
Đề cao vai trò của truyền thông chính sách
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL - Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VHTTDL, thành viên Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chủ trì và điều hành Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức truyền thông chính sách pháp luật. Với những chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sắc về tăng cường hoạt động tổ chức truyền thông chính sách và PBGDPL, ngày 30/3/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 407 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407); Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Cùng với đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương cũng đặt ra các yêu cầu và có kế hoạch chỉ đạo cụ thể để đôn đốc và hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương thực hiện công tác này đạt chất lượng, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, thực chất hơn.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phát biểu khai mạc.
“Góp phần đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng đó, hôm nay, được sự phân công và cho phép của Lãnh đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm tại Bộ VHTTDL nhằm nắm bắt các kết quả đạt được trong công tác tổ chức truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật, trong đó tập trung vào các cách làm hay, mô hình hiệu quả để kiến nghị Hội đồng nhân rộng ra các Bộ, ngành, địa phương khác. Cùng với đó nắm bắt những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong quá trình tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách pháp luật theo chức năng của Bộ, ngành VHTTDL được phân công để kịp thời có giải pháp, kiến nghị”, ông Lê Vệ Quốc cho biết.
Triển khai hiệu quả các Đề án
Báo cáo tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VHTTDL cho biết: Năm 2022, công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành PBGDPL đảm bảo kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Bộ đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động PBGDPL, ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ngành VHTTDL giai đoạn 2022-2026”. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Bộ tổ chức thành công cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”…
Năm 2023, Kế hoạch PBGDPL của Bộ đề ra 9 nội dung PBGDPL trọng tâm. Trong đó tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; triển khai Đề án 407, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”…
Về tình hình thực hiện Đề án 407, Bộ đã ban hành các công văn đôn đốc triển khai và các Kế hoạch riêng về công tác truyền thông chính sách theo từng lĩnh vực cụ thể như truyền thông chính sách Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi), Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể… Từ ngày 1/1/2023 đến nay, Cổng thông tin điện tử của Bộ đã đăng tải 225 văn bản và 14 dự thảo văn bản lấy ý kiến nhân dân, sản xuất nhiều tin, bài về truyền thông chính sách …
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) báo cáo kết quả công tác PBGDPL và tình hình triển khai Đề án 407.
Nhìn chung, hoạt động truyền thông chính sách đã được Bộ VBTTDL triển khai sâu rộng qua nhiều kênh thông tin khác nhau, tuy nhiên việc triển khai ở một số đơn vị còn chậm; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này còn thiếu kinh nghiệm, kinh phí còn hạn chế.
Thời gian tới, Bộ VHTTDL cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, xây dựng chuyên mục, tận dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội để truyền thông chính sách phù hợp với đối tượng chịu tác động.
Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết kinh phí từ ngân sách đáp ứng hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội; sớm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/1/2014; sớm tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 407, sớm ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông chính sách, thiết lập cơ sở dữ liệu PBGDPL dùng chung, vận hành Cổng thông tin PBGDPL quốc gia, sớm xây dựng Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL…
Tại buổi Tọa đàm, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã nêu lên các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách như: thiết lập hệ thống zalo giữa đầu mối làm công tác truyền thông chính sách của các Bộ ngành; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho công chức làm công tác truyền thông chính sách; tận dụng các nền tảng mạng xã hội, đầu tư làm các video về truyền thông chính sách…
Đánh giá cao các kết quả mà Bộ VHTTDL đạt được, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho rằng để làm tốt công tác truyền thông chính sách, Bộ VHTTDL cần làm tốt công tác phối hợp giữa 3 lực lượng gồm: công chức của đơn vị chuyên môn, công chức của Vụ Pháp chế, cơ quan báo chí. Đội ngũ này cần được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về truyền thông chính sách, có sự phân công công chức làm đầu mối thực hiện. Nội dung tập huấn phải phân định rõ sự khác biệt giữa truyền thông chính sách ngay từ khâu dự thảo với công tác PBGDPL (thời gian, mục tiêu).
Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cũng đề nghị Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL chú trọng tham mưu Lãnh đạo Bộ để có sự quan tâm, bố trí nguồn lực thuận lợi thực hiện công tác truyền thông chính sách. Ngoài ra, Bộ cũng cần xây dựng kế hoạch truyền thông một cách bài bản, trong đó lưu ý tiến hành khảo sát bước đầu trước khi xây dựng kế hoạch, lựa chọn thời điểm và cách thức truyền thông phù hợp, quan tâm tới đối tượng yếu thế.
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:
Bảo Ngọc