Tham vấn rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

09/05/2023
Tham vấn rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp
​Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 28/4/2023, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP tổ chức “Hội thảo tham vấn rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành như sau: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, một số trường Đại học, học viện, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp…
Chưa có văn bản pháp luật chuyên ngành, riêng biệt về công tác xã hội
Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã nhấn mạnh: Thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu quản lý xã hội phải dựa trên pháp luật, hệ thống luật pháp, chính sách về an sinh xã hội đã đuợc hình thành và từng bước hoàn thiện. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, tính từ năm 1989 đến nay đã có trên 15 Bộ luật, Luật; 7 Pháp lệnh (như Nhiều bộ luật, luật chuyên ngành đã được ban hành như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân...) và hơn 50 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư và các văn bản chỉ đạo khác có nội dung quy định về công tác xã hội (CTXH) là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện CTXH ở Việt Nam; trợ giúp các đối tượng, góp phần ổn định xã hội. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh; Hành lang pháp lý về CTXH ở Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế, đó là quy định còn  mờ nhạt, trong đó thiếu hụt lớn nhất là ở Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật chuyên ngành, riêng biệt về CTXH. Các quy định pháp luật trong các lĩnh vực rà soát có liên quan đến CTXH cho thấy nhiều quy định còn chung chung; một số lĩnh vực chưa có quy định, còn thiếu, còn khoảng trống; có quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc bất cập khó triển khai, thực hiện trên thực tế.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiếp cận tư pháp thân thiện cho chưa thành niên
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Nguyễn Than Trúc, Chuyên gia Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến quy định của các nước trên thế giới về nghề công tác xã hội. Theo đó, trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có lịch sử thành hàng thế kỷ, xuất phát từ nhu cầu cần có một cách tiếp cận chuyên biệt hơn trong việc giải quyết những vấn đề của xã hội và cộng đồng. Đây là những vấn đề bị gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bởi quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa như tội phạm gia tăng, gia đình tan vỡ, thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống, xâm hại và sao nhãng trẻ em, bạo lực gia đình, lạm dụng ma túy, rượu bia. Nhân viên công tác xã hội thường làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, bảo vệ trẻ em, giáo dục, y tế và tư pháp. Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, nhân viên CTXH đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa tội phạm, góp phần giảm tải cho trại giam, hỗ trợ người phạm tội phục hồi hiệu quả, tái hòa nhập cộng đồng thành công và phòng ngừa tái phạm. Dịch vụ CTXH còn giúp người bị hại, người làm chứng tham gia có hiệu quả vào quá trình tố tụng hình sự và phục hồi sau những tổn thương mà họ đã phải chịu đựng.
So sánh với pháp luật Việt Nam, Bà Trúc cho rằng, nghề công tác xã hội mới bắt đầu được nhìn nhận và phát triển trong vòng khoảng gần hai thập kỷ trở lại đây. Hiện nay chúng ta vẫn chưa có một luật khung về nghề CTXH, quy định trình độ chuyên môn của nhân viên CTXH, việc xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn hành nghề cho nhân viên CTXH để đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Đặc biệt, vai trò và hoạt động của nhân viên công tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự vẫn chưa được ghi nhận. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiếp cận tư pháp thân thiện cho chưa thành niên thông qua việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực cho các cán bộ tiến hành tố tụng và các chủ thể khác. BLHS, BLTTHS, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật tổ chức TAND, đã có nhiều quy định mới để thúc đẩy xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, tăng cường các biện pháp giáo dục, phục hồi tại cộng đồng, tăng cường tố tụng thân thiện với người chưa thành niên. Tuy nhiên, để có thể thực hiện hiệu quả những quy định mang tính cải cách này này rất cần có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội.
Thiết lập hành lang pháp lý cần thiết để phát triển nghề công tác xã hội
Trao đổi qua cầu truyền hình, Chuyên gia UNICEF – TS Shelly Anne Casey đã trình bày cụ thể những kinh nghiệm quốc về về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp như: quy định về nghề công tác xã hội (định nghĩa về công tác xã hội và nhân viên công tác xã hội, cơ quan quản lý nghề công tác xã hội, giấy phép và trình độ chuyên môn); dịch vụ công tác xã hội trong hệ thống tư pháp; dịch vụ công tác xã hội cho người vi phạm pháp luật (cơ quan nhà nước phụ trách dịch vụ quản chế/cải huấn dựa vào cộng đồng); vai trò của nhân viên công tác xã hội liên quan đến người vi phạm pháp luật (Hỗ trợ NCTN trong quá trình thẩm vấn/điều tra và tư vấn cho cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn trước khi xét xử, Giám sát bị cáo trước khi xét xử (người thành niên và người chưa thành niên), Lập báo cáo điều tra xã hội hoặc báo cáo trước khi tuyên án, Quản lý và giám sát người vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp không giam giữ, Hỗ trợ trong quá trình thực thi bản án giam giữ, Chuẩn bị trả tự do cho người vi phạm, Hỗ trợ sau khi được trả tự do (chăm sóc sau khi hết hạn giam giữ) và giám sát trong thời gian ân xá)); dịch vụ công tác xã hội cho người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự (Cơ quan quản lý nhà nước cung cấp dịch vụ CTXH cho người bị hại và người làm chứng hành vi vi phạm pháp luật, Vai trò của nhân viên CTXH đối với người bị hại và người làm chứng)…
Bên cạnh đó, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các đại diện đến từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Vụ Pháp chế, Cục Bảo trợ xã hội), Tòa án nhân dân tối cao, Đại học Lao động – Xã hội, Đại học Công đoàn, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam… cũng đã nêu ra những vấn đề thực tiễn liên quan đến hệ thống quy định pháp luật Việt Nam về công tác xã hội cũng như khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định này và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp về phát triển công tác xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kết luận Hội thảo, thay mặt Bộ Tư pháp, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng, Hội thảo này sẽ là cơ hội để chúng ta hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, ý nghĩa của các dịch vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đặc biệt là NCTN, trong hệ thống tư pháp hình sự thông qua những ví dụ về các thực hành tốt trên thế giới, đồng thời giúp chúng ta nhìn nhận những khoảng trống trong hệ thống chính sách, pháp luật, trên cơ sở đó thảo luận các bước đi cần thiết để thiết lập hành lang pháp lý cần thiết nhằm phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng và  nghề công tác xã hội ở Việt Nam nói chung./.