Họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra

21/04/2023
Họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra
Thực hiện Quyết định số 581/QĐ-BTP ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, ngày 21/4/2023 Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định dự thảo Nghị định nêu trên.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng… và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến cụ thể về một số nội dung sau:
Một là, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Các thành viên hội đồng cho rằng, ngoài các điều khoản được dự kiến hướng dẫn tại Điều 1 dự thảo Nghị định (các điều 38, 42, 43, 56, 60…) thì Luật Thanh tra còn giao Chính phủ quy định đối với: Việc bảo quản, trông giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện (khoản 3 Điều 89) và việc thành lập tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ theo quy định ở cơ quan khác của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập (Khoản 2 Điều 115). Tuy nhiên, các nội dung này chưa được dự thảo Nghị định quy định. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì rà soát lại toàn bộ Luật Thanh tra năm 2022 và nội dung dự thảo Nghị định để tránh bỏ sót các nội dung cần được hướng dẫn tại Nghị định.
 Hai là, về trang phục, thẻ thanh tra và chế độ, chính sách đối với thanh tra: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Thanh tra thì Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra theo quy định của Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Như vậy, thẩm quyền quy định về cấp trang phục và thẻ thanh tra thuộc về Chính phủ.
Ba là, về Đoàn Thanh tra: Khoản Điều 29 quy định người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trưởng đoàn Thanh tra, Phó trưởng đoàn thanh tra: “Người có thời gian công tác dưới 12 tháng tính từ ngày ban hành quyết định thanh tra đến ngày nghỉ chế độ”. Các thành viên hội đồng cho rằng, cần xem xét quy định này theo hướng giảm bớt thời gian, vì có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức các đoàn thanh tra, thực hiện công tác thanh tra của một số cơ quan thanh tra, ví dụ: thanh tra huyện, thanh tra Sở… do các cơ quan này thường có biên chế không nhiều.
Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung phát biểu một số nội dung liên quan của dự thảo Nghị định như: (i) Về giám định trong hoạt động thanh tra; (ii) Về phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; (iii) Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; (iv) Về giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra; giải quyết kiến nghị về nội dung thanh tra; (v) Về xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh ra 
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị định. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định./.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính