Hội thảo của Tổ công tác về rà soát văn bản QPPL của Thủ tướng Chính phủ

27/12/2022
Hội thảo của Tổ công tác về rà soát văn bản  QPPL của Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022 (ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TCT ngày 21/4/2022 của Tổ công tác) và nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phân công tại Quyết định số 791/QĐ-BTP ngày 12/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 23/12/2022, Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Báo cáo kết quả rà soát văn bản QPPL của Tổ năm 2022 và thảo luận, cho ý kiến bước đầu về nội dung, cách thức hoạt động của Tổ công tác năm 2023. Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.
     Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp; đại diện Vụ pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ; một số sở, ban, ngành thành phố Hà Nội; thành viên Tổ giúp việc, Thường trực Tổ công tác; đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, một số doanh nghiệp, hiệp hội; các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp và các phòng chuyên môn thuộc Cục Kiểm tra văn bản QPPL.
     

     Tại Hội thảo, đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã trình bày khái quát nội dung kết quả hoạt động năm 2022 và một số đề xuất định hướng hoạt động năm 2023 của Tổ công tác. Theo Kế hoạch, trong năm 2022, Tổ công tác sẽ tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chính là:
     (1) Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;
     (2) Tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp đã theo dõi, đôn đốc các Nhóm thực hiện việc rà soát và gửi kết quả rà soát đảm bảo đúng chất lượng, thời hạn yêu cầu.
 

     Theo đó, trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021 theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang tổ chức nghiên cứu, xử lý hoặc tham mưu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với hơn bốn trăm văn bản và đang triển khai các nhiệm vụ rà soát khác theo chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước. Trong năm 2022, Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu đối với 05 nhóm văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: (i) Rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị; (ii) Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung cụ thể liên quan đến các luật: Bộ luật Dân sự, Luật Dầu khí, Luật Thủy lợi; (iii) Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung cụ thể liên quan đến các luật: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Phí và Lệ phí; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Điện lực; (iv) Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với các nội dung cụ thể liên quan đến các luật: Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch; (v) Rà soát quy định pháp luật về đấu giá tài sản. Đến nay, việc rà soát văn bản đã được hoàn thành và được tổng hợp tại dự thảo Báo cáo. Qua rà soát, các Nhóm đã phát hiện được các quy định vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, đồng thời đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định. 
 

     Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục dự thảo Báo cáo; đồng thời tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề cụ thể như: kết quả rà soát của Tổ công tác liên quan đến ngành, lĩnh vực do các bộ quản lý; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý văn bản; các vấn đề bất cập của hệ thống pháp luật các doanh nghiệp gặp phải; các nội dung định hướng hoạt động của Tổ công tác năm 2023.
     Khẳng định ý nghĩa quan trọng, thiết thực của công tác rà soát đối với việc hoàn thiện quy định của pháp luật, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo của Tổ công tác trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.