Chia sẻ kinh nghiệm trong điều chỉnh pháp luật đối với việc dùng tài sản số làm tài sản bảo đảm

15/12/2022
Chia sẻ kinh nghiệm trong điều chỉnh pháp luật đối với việc dùng tài sản số làm tài sản bảo đảm
Sáng ngày 14 tháng 12 năm 2022, tại TP.Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký) đã phối hợp với IFC tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam trong điều chỉnh pháp luật đối với việc dùng tài sản số làm tài sản bảo đảm. Hội thảo do ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký chủ trì.
 

 
 
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Về phía Việt Nam, có các đại biểu đến từ Cục Đăng ký, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện các Sở, ngành như Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện của một số Văn phòng đăng ký đất đai; đại diện của Hiệp hội Ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, công ty luật, cơ sở đào tạo luật…. Về phía IFC, có bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ phụ trách Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

       

       

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Ngọc đánh giá cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự phát triển bùng nổ của các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và việc ứng dụng các công nghệ này đã làm xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm công nghệ mới có giá trị cao, như tiền mã hóa (ví dụ: “đồng” bitcoin…), tài sản mã hóa (ví dụ: vật phẩm trong các trò chơi trực tuyến…) nhưng hiện chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ điều chỉnh các quan hệ pháp luật khi tài sản này tham gia giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch bảo đảm. Do đó, việc Cục Đăng ký phối hợp với IFC tổ chức Hội thảo nêu trên là rất cần thiết và có giá trị thực tiễn. Ông Phạm Tuấn Ngọc cũng đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề: (1) Nhận diện tài sản số, việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản số; thực tiễn sử dụng tài sản số trong giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch bảo đảm; (2) Cơ chế pháp lý trong việc đưa tài sản số vào giao dịch, trong đó có việc sử dụng tài sản số để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và giải pháp hoàn thiện; (3) Thực tiễn quốc tế tốt nhất đối với việc sử dụng tài sản số trong giao dịch bảo đảm và giá trị tham khảo cho Việt Nam.

       

       

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Đăng ký khái quát quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản số; bà Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ nội dung về giao dịch bảo đảm bằng tài sản số ở Việt Nam: thực trạng, thách thức và triển vọng và Ông Marek Dubovec, Giám đốc Chương trình Cải cách Pháp luật, Viện Luật Quốc tế Washington, Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế các tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn áp dụng đối với các loại tài sản số khác nhau, hiệu lực đối kháng, thứ tự ưu tiên trong thanh toán khi khách hàng không còn khả năng trả nợ và xử lý tài sản đối với tài sản số, và các văn bản pháp luật được áp dụng liên quan tới quyền lợi bảo đảm đối với tài sản số.

       

Trên cơ sở dẫn đề nêu trên, các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi, cùng thảo luận trao đổi chuyên sâu, gắn với các tình huống pháp lý với vấn đề phát sinh trong thực tiễn đối với việc dùng tài sản số, quyền tài sản đối với đối tượng của sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin và hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Sau một buổi làm việc sôi nổi, hiệu quả, Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Thay mặt Cục Đăng ký, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký cảm ơn sự hỗ trợ của IFC, sự tham gia của các chuyên gia, các đại biểu và đánh giá đây là Hội thảo đóng góp nhiều kinh nghiệm hữu ích trong nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo đảm thưc hiện nghĩa vụ, đặc biệt là vấn đề dùng tài sản số làm tài sản bảo đảm.