Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với Tổ Biên tập Dự án Luật Lý lịch tư pháp do Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất làm Tổ trưởng.
Báo cáo tiến độ công việc sau cuộc họp Ban soạn thảo cách đây khoảng 1 tháng, ông Thất cho biết, Tổ Biên tập đã ra Kế hoạch làm việc số 1703, bổ sung một số thành viên mới và đặc biệt đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07 về cấp Phiếu lý lịch tư pháp, theo đó nhiều quy định của TTLT cần phải đưa sửa đổi, bổ sung kể cả trong trường hợp Luật Lý lịch tư pháp đã được thông qua. Lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ Biên tập về dự thảo Luật và dự thảo Tờ trình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Luật đã rõ nên vấn đề bây giờ là Ban soạn thảo phải rút kinh nghiệm phối hợp để chỉ đạo xây dựng Dự án Luật cho tốt, kịp thời trình Chính phủ. Trước hết, trong tháng 5, Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần sớm cùng nhau tổ chức một hội nghị tổng kết liên ngành về công tác quản lý và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Bộ trưởng đề nghị Tổ biên tập nhanh chóng cung cấp tài liệu tham khảo kinh nghiệm, mô hình của nước ngoài, thậm chí nghiên cứu cả cách làm ở Việt Nam thời Pháp thuộc và nguỵ quyền Sài Gòn. Về một số nội dung cơ bản của Dự án Luật, Bộ trưởng chỉ đạo phải làm rõ khái niệm lý lịch tư pháp, xác định mô hình Trung tâm lưu trữ quốc gia về lý lịch tư pháp với ít nhất là 3 chi nhánh ở 3 vùng miền (có thể do Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an quản lý), cơ chế thu thập thông tin “đầu vào”, xử lý vấn đề khiếu nại sao cho thấu đáo…
Hoàng Thư