Thẩm định dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

22/11/2022
Thẩm định dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Sáng ngày 17/11, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì cuộc họp, tham dự có đại diện của cơ quan chủ trì soạn thảo (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương), đại diện các Bộ, ngành có liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện cho cơ quan soạn thảo, đồng chí Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Thực tiễn 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh năm 2004 với mô hình hai cơ quan cạnh tranh độc lập (Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và không đáp ứng được về nhu cầu thực tiễn về mô hình, tổ chức. Mô hình hai cơ quan cạnh tranh cùng với các quy định chưa hợp lý trong tố tụng cạnh tranh dẫn đến kéo dài quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, nguồn lực bị phân tán khiến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh chưa được tập trung, kết quả giải quyết vụ việc luôn đi sau diễn biến của thị trường và chưa thể hiện vai trò can thiệp kịp thời của Nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường…
Luật Cạnh tranh năm 2018 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, thay thế cho Luật Cạnh tranh năm 2004. Theo quy định tại Điều 46 Luật Cạnh tranh năm 2018, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, có nhiệm vụ, quyền hạn: "Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh; Tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan. Đồng thời, khoản 3 Điều này giao “Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia”. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 hướng dẫn Luật Cạnh tranh và Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, trong đó giao nhiều nhiệm vụ cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Tuy nhiên, đến nay Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vẫn chưa được ban hành. 
Để làm cơ sở cho các thành viên Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định, đồng chí Trịnh Anh Tuấn đã trình bày cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý ban hành Nghị định. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan là Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh. Sự hợp nhất này nhằm đảm bảo tính kết nối, liên tục và thông suốt trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi phản cạnh tranh, khắc phục được những hạn chế của mô hình hai cơ quan cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể, các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các vụ việc cạnh tranh hoặc tham gia vào quá trình tố tụng cạnh tranh. 
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã làm rõ tính đặc thù của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi cùng lúc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ thực hiện hoạt động điều tra, xét xử vụ việc cạnh tranh.
Tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng thẩm định về cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành Nghị định nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Cạnh tranh năm 2018, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình hai cơ quan cạnh tranh độc lập hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm làm rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như hậu quả pháp lý sau khi hợp nhất 3 cơ quan hiện hành thành Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu và ý kiến tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, thay mặt Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh khẳng định đây là Nghị định có nội dung phức tạp, do đó tại Tờ trình cần tập trung giải trình cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách đối với các thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các chức danh của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia…; dự thảo Tờ trình cũng cần thể hiện rõ toàn bộ quá trình xây dựng dự thảo Nghị định để làm cơ sở cho Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát toàn bộ nhiệm vụ được giao tại Luật Cạnh tranh để quy định tại dự thảo Nghị định, đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ; cần có sự thống nhất trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại dự thảo Nghị định.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính