Đây là vấn đề thu hút đươc nhiều ý kiến tại Hội thảo về giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong điều kiện mới, mô hình chính quyền đô thị và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô diễn ra hôm nay - ngày 04/07/2022 tại Bộ Tư pháp. Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì Hội thảo, đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị, các cơ sở đào tạo Luật cùng dự.
Cần các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, sau 9 năm thi hành, Luật Thủ đô năm 20212 và các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và thành phố (TP) được ban hành đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và Nhân dân TP về vị trí, vai trò và định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô. Các cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành còn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, có giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực. Sớm tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện để khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Để tham mưu cho Chính phủ lập đề nghị xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND TP Hà Nội đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô; tổng kết thực tiễn thi hành và đề xuất hoàn thiện, đánh giá tác động chính sách. Còn với Hội thảo chuyên đề này, ông Tuyến nhấn mạnh Bộ Tư pháp mong muốn tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhiều kinh nghiệm để tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề có ý kiến khác nhau về chủ đề Hội thảo, từ đó hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động chính sách cho việc lập đề nghị trình Chính phủ xem xét, thông qua vào cuối năm 2022.
Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thủ đô Hà Nội thì mô hình chính quyền tại Hà Nôi gồm: HĐND, UBND Thành phố Hà Nội; HĐND, UBND quận, huyện; HĐND, UBND xã và UBND phường - không tổ chức HĐND phường. Như vậy, mặc dù đã thí điểm "không tổ chức Hội đồng nhân dân phường" nhưng thực tế mô hình tổ chức vẫn cồng kềnh; bộ máy chính quyền chưa thực sự tinh gọn; phân cấp ủy quyền chưa đủ mạnh để phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền Thủ đô. Việc duy trì mô hình tổ chức cấp chính quyền đầy đủ (có cả HĐND và UBND) tại một số đơn vị hành chính như hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự sát với đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình đơn vị hành chính, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả.
Bỏ mô hình HĐND ở cấp quận, huyện, giữ lại cấp xã, phường
Về mô hình tổ chức chính quyền, phân cấp, phân quyền cho Thủ đô, ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ cho rằng, "nếu chúng ta còn muốn tổ chức cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với hai cấp thì cần bỏ cấp trung gian là cấp quận, huyện mà cần giữ lại cấp xã, phường". Ông cho rằng, cấp xã, phường là cấp cơ sở, gần dân nhất, sát dân nhất, còn cấp huyện chỉ là cấp trung gian. Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thủ đô, theo đồng chí, nên giao cho Thủ đô quyền tự chủ trong tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, trong biên chế và quỹ lương.
Ông Đinh Dũng Sỹ cũng cho rằng, Hà Nội nên kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội cơ chế ngân sách đặc thù cho Thủ đô. Trong đó nên có 2 vấn đề, thứ nhất là tỷ lệ phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương đối với Hà Nội phải cao hơn so với quy định chung; thứ hai là Hà Nội được để lại toàn bộ số vượt thu của năm sau so với số thu của năm trước (không phải là so với dự toán) để thực hiện tự chủ đối với các thẩm quyền được Luật giao.
Còn theo bà Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, dù theo mô hình nào thì chính quyền đô thị Hà Nội sẽ gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân. Đợt thí điểm mà Hà Nội đang thực hiện chính là nhằm giảm thiểu sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc của các cấp chính quyền. Bà cũng cho rằng, mục tiêu thực hiện việc không tổ chức HĐND tại một số địa bàn là để tổ chức lại chính quyền địa phương một cách hợp lý. Đồng thời, việc sắp xếp lại sẽ khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, xác định rõ vị trí, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương. Theo bà, khi không tổ chức HĐND huyện, quận, thị xã, phường, thì vẫn còn các thiết chế đại diện khác. Điều này cũng tạo ra yêu cầu mới đối với HĐND Thành phố và nhu cầu nâng cao tính tự quản cho cấp cơ sở, tăng cường dân chủ trực tiếp.
Thành phố phải được quyết định mức lương theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô
Đối với vấn đề thu hút nguồn nhân lực, ý kiến tại Hội thảo cho rằng,Thành phố được quyền và cần ban hành chính sách riêng về thu hút nhân tài, ít nhất là ở 3 chế độ đãi ngộ: Thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp. Không có chế độ đãi ngộ tốt (thu nhập, nhà ở) thì không thể thu hút được nhân tài; có thu nhập, nhà ở tốt, nhưng vị trí việc làm, môi trường công tác không phù hợp thì người tài cũng không thể cống hiến, thậm chí họ sẽ bỏ đi.
Một trong những biện pháp thu hút nhân lực khác được bàn thảo tại cuộc họp là Thành phố có thể được trao cho một số thẩm quyền như: Quy định việc ký hợp đồng với người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm tại khu vực tư hoặc ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý một số tổ chức, cơ quan, đơn vị của Thủ đô; Tuyển dụng thẳng, không qua thi tuyển những đối với những người có tài năng về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thủ đô; hoặc ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô; Quyết định việc chi thu nhập tăng thêm từ ngân sách Thành phố cho cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị sự nghiệp do ngân sách đảm bảo toàn bộ kính phí hoạt động...
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận nội thành, 17 huyện và 01 thị xã); 579 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 383 xã, 175 phường - trong đó 166 phường thuộc 12 quận, 09 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 21 thị trấn).
Trên có sở Nghị quyết số 97/2019/QH14, Thành phố Hà Nội đã xác định việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Từ ngày 01/7/2021, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, theo đó không tổ chức HĐND phường, chính quyền địa phương ở phường là UBND phường, UBND phường là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã. |
An Như - Trung tâm Thông tin