Hội nghị tập huấn “Quyền nhân thân và quyền tài sản của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”.

24/06/2022
Hội nghị tập huấn “Quyền nhân thân và quyền tài sản của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”.
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi UNDP và UNICEF trong 02 ngày 23-24/6/2022, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn “Quyền nhân thân và quyền tài sản của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số” tại thành phố Yên Bái. Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về quyền nhân thân và quyền tài sản cho cán bộ tư pháp hộ tịch, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn cách thức tổ chức, điều hành các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.
Hội nghị tập huấn do bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Yên Bái đồng chủ trì; đại diện Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP), bà Đào Thị Thu An, Quản lý dự án EU JULE, tham dự Hội nghị tập huấn.
Dưới sự hướng dẫn của 02 giảng viên là chuyên gia trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình (TS. Nguyễn Am Hiểu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; TS. Bùi Minh Hồng, Phó trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, trường Đại học Luật Hà Nội), gần 40 đại biểu đến từ Sở Tư pháp thành phố Yên Bái và các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái (như: huyện Văn Chấn, huyên Yên Bình, huyện Trạm Tấu, huyện Trấn Yên, huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Yên, huyện Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ) đã được tiếp nhận, cung cấp kiến thức cơ bản về quyền nhân thân và quyền tài sản, từ đó đi sâu hơn về một số quyền nhân thân và quyền tài sản của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các bài tập tình huống cụ thể, thảo luận, làm việc nhóm. Một số nội dung trọng tâm được các đại biểu quan tâm như: quyền được khai sinh, quyền đối với họ tên, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền kết hôn, quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân và gia đình, quyền xác định cha, mẹ, con; việc thực hiện quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, quyền thừa kế; việc bảo vệ các quyền trên của cá nhân, đặc biệt là của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các đại biểu còn được giới thiệu về các phương pháp tập huấn và các bước để triển khai một lớp tập huấn, cũng như được giảng thử, tập huấn thử, đưa ra những tình huống cụ thể xảy ra trên thực tế để trao đổi, thảo luận.
Kết thúc tập huấn, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự tham dự của các đại biểu trong 02 ngày tập huấn, đồng thời hi vọng trong thời gian tới Chương trình UNDP, các cơ quan, tổ chức tiếp tục cùng đồng hành với Bộ Tư pháp để tổ chức nhiều lớp tập huấn tại các địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số.