Kết thúc tốt đẹp vòng đàm phán thứ nhất DT Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự Việt Nam - Lào

20/06/2022
Kết thúc tốt đẹp vòng đàm phán thứ nhất DT Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự Việt Nam - Lào
Trong thời gian từ ngày 14-18/6/2022, tại huyện Văng Viêng, tỉnh Viêng Chăn, CHDCND Lào, Đoàn đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào (sau đây gọi là Hiệp định) của Việt Nam do ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã đàm phán dự thảo Hiệp định với Đoàn đàm phán của CHDCND Lào do ông Khăm phon Sỷ pa sợt, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn.
Hoạt động tương trợ tư pháp (TTTP) trong lĩnh vực dân sự giữa hai nước hiện được điều chỉnh bởi Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh dân sự và hình sự ký ngày 06/7/1998 (sau đây gọi là Hiệp định năm 1998).  Hiệp định năm 1998 điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả TTTP về hình sự, TTTP về dân sự và dẫn độ. Nội dung TTTP về dân sự tại Hiệp định năm 1998 ngoài thủ tục hợp tác TTTP còn quy định cả lựa chọn luật áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật, thẩm quyền. Cho đến thời điểm hiện nay, các quy định về TTTP về hình sự của Hiệp định năm 1998 đã được thay thế bởi Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào (ký ngày 08/01/2020, có hiệu lực ngày 18/02/2021). Trước bối cảnh kinh tế, xã hội và pháp luật hai nước đã nhiều thay đổi, các quy định TTTP về dân sự tại Hiệp định năm 1998 đã bộc lộ một số bất cập cần phải được sửa đổi. Trên cơ sở đó, cơ quan trung ương thực thi Hiệp định năm 1998 là Bộ Tư pháp hai nước đã báo cáo cấp có thẩm quyền mỗi bên để đàm phán Hiệp định mới thay thế các quy định TTTP về dân sự tại Hiệp định năm 1998.
Được sự uỷ quyền của cơ quan có thẩm quyền mỗi nước, hai Bên đã đàm phán trên cơ sở bản dự thảo Hiệp định tiếng Việt do Việt Nam đề xuất. Dự thảo Hiệp định gồm 7 chương 37 Điều được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền trong nước phê duyệt. Với mục đích tăng cường hợp tác tư pháp và pháp luật giữa hai nước, thắt chặt quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nói chung, đồng thời tạo cơ sở pháp lý bảo vệ hoạt động giao lưu dân sự, kinh doanh – thương mại, đầu tư giữa các cá nhân, tổ chức hai nước nói riêng, hai Đoàn đã đàm phán dự thảo Hiệp định với tinh thần thiện trí, cởi mở. Kết thúc Vòng đàm phán thứ nhất, hai Bên đã thống nhất được toàn bộ dự thảo Hiệp định, ngoại trừ một số quy định về giải thích từ ngữ, hợp pháp hoá lãnh sự, tống đạt giấy tờ do cơ cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và đương nhiên công nhận quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hai Bên còn có cách hiểu khác nhau cần tham vấn với các cơ quan trong nước.
Để sớm kết thúc đàm phán dự thảo Hiệp định, sẵn sàng cho việc ký Hiệp định nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết hệ quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào, hai Trưởng Đoàn đã thống nhất Vòng đàm phán thứ hai sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong tháng 8/2022. Tại Vòng đàm phán thứ hai, hai Bên sẽ đàm phán những điều khoản còn lại, rà soát và thống nhất toàn bộ dự thảo Hiệp định để trình cấp có thẩm quyền mỗi Bên quyết định việc ký Hiệp định.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp