Thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ, ngày 24/5/2022, tại tỉnh Hà Giang, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho tuyên hòa giải viên, truyền viên pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng của một số đơn vị cấp xã trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Yên Bái.
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì lớp tập huấn; bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia bảo vệ trẻ em, đại diện UNICEF tại Việt Nam dự và phát biểu khai mạc. Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Duy Sụn, Phó Giám đốc tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng đặc thù đã được quy định trong Luật PBGDPL và các cơ quan, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho nhóm này, trong đó có vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Thực tế hiện nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đang chiếm tỷ lệ lớn tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung cao tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Tại Hà Giang, theo phát biểu của ông Nguyễn Duy Sụn, phó giám đốc Sở Tư pháp tại hội nghị, năm 2019 có 6.946 cặp, trong đó tảo hôn 428 cặp, chiếm 6,16%; cận huyết 03 cặp chiếm 0,04%; năm 2020 có 6585 cặp trong đó tảo hôn 599 cặp, kết hôn cận huyết 0,03%; năm 2021 có 5795 cặp, tảo hôn 323 cặp, chiếm 5,57%; kết hôn cận huyết 07 cặp chiếm 0,012%. Để góp phần giảm thiểu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bên cạnh các giải pháp về xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo các vấn đề về y tế, giáo dục…trước hết cần đẩy mạnh công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức cho trẻ em, cha mẹ của trẻ, người dân trong cộng đồng về xóa bỏ hủ tục này. Vì vậy, trước hết cần chú trọng nâng cao năng lực, bao gồm kiến thức và kỹ năng cho những người làm công tác PBGDPL tại cơ sở, nhất là hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật và người có uy tín trong cộng đồng. Qua đó phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn, từ đó giúp người dân thay đổi nhận thức cũng như hành vi của mình trong xóa bỏ các vấn đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bảo đảm quyền của trẻ em theo Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Để thực hiện mục tiêu này, với sự hỗ trợ về tài chính của UNICEF, Vụ PBGDPL đã xây dựng cuốn Sổ tay pháp luật và kỹ năng truyền thông giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật và người có uy tín trong cộng đồng. Trên cơ sở tập huấn, các hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng sẽ sử dụng cẩm nang này để phục vụ công tác PBGDPL về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho người dân tại cộng đồng, địa bàn của mình.
Đại biểu tham dự đã được các chuyên gia (PGS.TS, Nguyễn Thị Lan – Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Đại học Luật Hà Nội và TS. Vũ Hoài Phương, Học viện Báo chí Tuyên truyền) trình bày các chuyên đề về thực trạng, nguyên nhân, quy định pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các quy định pháp luật khác có liên quan; hướng dẫn kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hòa giải viên, tuyên truyền viên và người có uy tín trong cộng đồng. Với phương pháp lấy người học làm trung tâm, các giảng viên đã dành nhiều thời gian cho các nhóm thảo luận, trao đổi, tương tác cùng tham gia, thực hành đóng vai tham gia xử lý các tình huống cụ thể về tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Các đại biểu tham gia đánh giá cao về mô hình, cách thức và phương pháp tổ chức tập huấn, tham gia rất sôi nổi, hào hứng, góp phần cung cấp, củng cố kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng. Sau tập huấn, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với UNICEF hỗ trợ tỉnh Hà Giang tổ chức điểm việc tập huấn pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho người dân tại xã Mậu Long, huyện Yên Minh thông qua việc sử dụng các tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên đã tham dự tập huấn này.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật