Họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

29/04/2022
Họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Ngày 28/4, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có liên quan.
Tại buổi làm việc, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trình bày Tờ trình xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, để bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết. Dự thảo Luật đã cơ bản bám sát và phù hợp với 07 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 về đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự thảo Luật gồm 07 chương, 80 Điều, cụ thể: Chương I về Những quy định chung gồm 18 Điều; Chương II về Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng gồm 17 Điều; Chương III về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với các tổ chức, cá nhân kinh doanh gồm 11 Điều; Chương IV về Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 5 Điều; Chương V về Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh gồm 22 Điều; Chương VI về Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 4 Điều và Chương VII về Điều khoản thi hành gồm 02 Điều.
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan tham dự đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Hồ sơ dự án Luật đã đáp ứng đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020). Về nội dung, dự thảo Luật cơ bản bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua, tuy nhiên, đại diện các cơ quan cũng cho ý kiến góp ý cụ thể đối với một số nội dung trong dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo để Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, chỉnh lý, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như bảo đảm tính hợp lý, khả thi sau khi được thông qua.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc bảo đảm chất lượng xây dựng hồ sơ dự án Luật; đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hồ sơ dự án Luật trên cơ sở bám sát các ý kiến thẩm định của các đại biểu tham dự cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trong tháng 6/2022 theo đúng Kế hoạch được giao thực hiện.