Hội thảo góp ý Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán

22/04/2022
Hội thảo góp ý Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán
Ngày 21/4/2022 tại Hà Nội, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo góp ý Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán
Hội thảo có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý; bà Elisa Ferrnandez, Trưởng Đại diện UNWOMEN tại Việt Nam; bà Phạm Thị Lan, cán bộ Phụ trách Chương trình của UNWOMEN cùng với đại diện các cơ quan Trung ương: Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung tâm phụ nữ phát triển; đại diện bộ đội biên phòng các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn; đại diện Hội phụ nữ một số quận, huyện thành phố Hà Nội; Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Trợ giúp viên pháp lý của một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố.
 
Hình ảnh khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Cù Thu Anh cho biết, hiện nay pháp luật trong nước cũng như các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều có quy định về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán trong đó đặc biệt là chính sách trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán, chính sách này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với các đối tượng yếu thế này. Mặt khác, để triển khai kịp thời các văn bản Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp về nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán (Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Quyết định số 2232/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 2156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030), Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu Bộ Tư pháp ban hành văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nội dung trợ giúp pháp lý trong đó có nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán. Việc ban hành kịp thời văn bản về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này đã thể hiện sự trách nhiệm và sự quan tâm của Bộ, ngành tư pháp với nhóm đối tượng yếu thế này trong thời gian qua; Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực lồng ghép giới trong tất cả các hoạt động trợ giúp pháp lý của ngành tư pháp.
Điểm lại một số kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán, Ông Cù Thu Anh cho biết, thời gian qua mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 song hệ thống trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý. Từ năm 2018 – 2021, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện 16.777 vụ việc trợ giúp pháp lý cho bị hại trong lĩnh vực hình sự trong đó có các đối tượng là nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán. Có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, hiệu quả.
Mặc dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù này vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, tăng cường. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như kỹ năng, quy trình trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, thành phố trong phát hiện, giới thiệu, thông tin về nhu cầu trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế này, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và lao động di cư thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp đã phối hợp với tổ chức UNWOMEN xây dựng “Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán” nhằm cung cấp thêm thông tin, kiến thức liên quan đến bạo lực (đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình), mua bán người (trong đó có phụ nữ, trẻ em) và lao động di cư; các quy định của pháp luật hiện hành đối với vấn đề phòng, chống bạo lực và mua bán người và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này.
Để Hội thảo đạt kết quả, ông Cù Thu Anh đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, góp ý trực tiếp dự thảo tài liệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán và lao động di cư và công tác hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho đối tượng này, cũng như đề nghị Ban tổ chức tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý; nghiên cứu và tiếp thu ý kiến để hoàn thiện cuốn Tài liệu.
 
Bà Elisa Ferrnandez, Trưởng Đại diện UNWOMEN tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng được nghe bà Elisa Ferrnandez, Trưởng Đại diện UNWOMEN tại Việt Nam phát biểu, bà Elisa Ferrnandez đánh giá cao vai trò của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp về lĩnh vực lồng ghép giới và bình đẳng giới trong công tác trợ giúp pháp lý, các cán bộ trợ giúp pháp lý, luật sư và các đơn vị cung cấp dịch vụ tư pháp đã đóng vai trò vô cùng quan trọng và được xem là một trong những đơn vị tuyến đầu trong việc hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực. Cũng theo bà Elisa Ferrnandez, trợ giúp pháp lý và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu sẽ tạo thành nền tảng cơ bản cho phụ nữ bị bạo lực, giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Nếu thiếu khả năng tiếp cận tới bất kỳ dịch vụ nào sẽ dẫn đến việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ không hiệu quả. Tại Hội nghị, bà Elisa Ferrnandez khẳng định, phía UN Women sẵn sàng chung tay với Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, giúp những người bị bạo lực và bị mua bán nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
 
Bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp trình bày dự thảo Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực
và nạn nhân bị mua bán

Hội thảo đã được nghe bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày dự thảo Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán; bà Phạm Thị Lan, chuyên gia của UNWOMEN cung cấp thêm thông tin về tình hình bạo lực ở khu vực và Việt Nam cũng như nhu cầu cung cấp các dịch vụ phối hợp cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán.
Đặc biệt, để có cái nhìn toàn cảnh về công tác phòng, chống mua bán người, công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Hội thảo cũng được nghe đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng, Hà Giang cung cấp thông tin về thực tiễn, những khó khăn bất cập và đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động này tại Bộ, ngành và địa phương, trong đó có các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
Hình ảnh đại biểu tham dự và phát biểu tại Hội thảo

Phần trao đổi thảo luận đã được các đại biểu tích cực trao đổi cụ thể về nội dung cuốn tài liệu. Hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng cuốn tài liệu và mong rằng cuốn tài liệu này sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hỗ trợ, trợ giúp pháp lý trong đó đặc biệt là tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán (trong đó có phụ nữ, trẻ em) và lao động di cư. Trên thực tiễn, những nội dung này một số người cung cấp dịch vụ hỗ trợ và trợ giúp pháp lý còn thiếu trong quá trình thực hiện hỗ trợ, trợ giúp pháp lý.
Kết thúc hội thảo, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất cụ thể, chất lượng của các đại biểu tham dự Hội thảo. Trên cơ sở đó, nhóm chuyên gia sẽ phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý và UNWOMEN hoàn thiện cuốn tài liệu từ đó giúp cho người thực hiện hỗ trợ, trợ giúp pháp lý có thêm nguồn tài liệu tham khảo để nâng cao kỹ năng và chất lượng hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán, từ đó góp phần nâng cao công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.

 
Hình ảnh tại Hội thảo

Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý,
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp