Sáng ngày 24/3, Học viện Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ. Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu chủ trì Hội nghị. Các đại biểu tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Đào tạo nghề công chứng được Học viện Tư pháp tổ chức thực hiện bắt đầu từ năm 2001. Đến nay, hoạt động đào tạo nghề công chứng tại Học viện Tư pháp đã trải qua 24 khoá đào tạo với 4 giai đoạn: Giai đoạn 01 từ năm 2001 đến năm 2007 với 02 Chương trình đào tạo 3 tháng và 4 tháng; giai đoạn 02 từ năm 2008 đến năm 2015 với Chương trình đào tạo 6 tháng; giai đoạn 03 từ năm 2015 đến năm 2018 với Chương trình đào tạo 12 tháng theo niên chế và Giai đoạn 04 từ năm 2019 đến nay với Chương trình đào tạo 12 tháng theo hình thức tín chỉ.
Hoạt động đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ bắt đầu từ năm 2019. Từ khi triển khai chương trình đến nay đã trải qua bối cảnh hết sức đặc thù do các đợt đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam. Từ đầu năm 2020 và tháng 5/2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Học viện Tư pháp đã phải chuyển đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng từ trực tiếp sang phương thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Để thực hiện được phương thức đào tạo này, Học viện Tư pháp đã xây dựng lại và ban hành chương trình chi tiết, trong đó xác định rõ nội dung bài học tập trung và nội dung bài học trực tuyến.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến tổng kết, đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ (giai đoạn từ năm 2019-2022). Các đại biểu đều cho rằng về cơ bản chương trình đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ đã đạt được mục tiêu đề ra. Đào tạo nghề công chứng theo hệ thống tín chỉ đã thiết lập nên cơ chế, chính sách và tạo cơ hội tốt để người có nhu cầu học dễ dàng tham gia; phạm vi hoạt động đào tạo được mở rộng, phân bố tương đối hợp lý ở các địa phương, vùng miền, từ đó đã giải quyết tốt tình trạng khó khăn trong thiếu hụt nguồn nhân lực, phát triển nghề, hoạt động công chứng ở nhiều địa phương. Chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ được học viên đánh giá tốt và ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học viên xếp loại Khá khi tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Xuân Thu – Giám đốc Học viện Tư pháp cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các đại biểu dự Hội nghị. Ngoài các kết quả tích cực đã được các đại biểu đánh giá, Giám đốc Học viện Tư pháp cũng tổng kết các khó khăn liên quan đến nội tại chương trình đào tạo và các vấn đề liên quan của Học viện Tư pháp như đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất; hệ thống giáo trình, hồ sơ tình huống, thư viện điện tử; trình độ học viên… Từ đó đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế, đó là: sửa đổi chương trình đào tạo khung và chương trình đào tạo chi tiết trên cơ sở kế thừa chương trình cũ; phát triển đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên thỉnh giảng; thường xuyên xây dựng, cải thiện hệ thống giáo trình, hồ sơ tình huống và các học liệu khác để phù hợp với từng giai đoạn; chú trọng công tác quản lý đào tạo; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quá trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất.
Trên cơ sở đó Học viện Tư pháp đề nghị sửa các quy định của pháp luật có liên quan đến đào tạo nghề công chứng như kiểm tra đầu vào; quy định độ tuổi tuyển sinh; gắn kết giai đoạn đào tạo tại Học viện Tư pháp và giai đoạn tập sự, thi hết tập sự; xem xét, phân loại đối tượng miễn hoặc bắt buộc đào tạo nghề công chứng. Nhóm đề xuất thứ hai liên quan đến quy định trách nhiệm quản lý quá trình thực tập trong chương trình đào tạo. Giám đốc Học viện Tư pháp cũng giao nhiệm vụ cho Phòng Đào tạo & Công tác học viên và Khoa Đào tạo Công chứng viên & các chức danh tư pháp khác hoàn thiện báo cáo và thực hiện các công việc sau Hội nghị.
Thanh Hương