Sáng ngày 30/12, Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành (HTPLLN) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021“Công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, Ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Phó trưởng ban Ban Quản lý Chương trình HTPLLN Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh: Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2021 đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, nhằm giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, nổi bật là các hoạt động: Xây dựng và phát sóng Chương trình hỗ trợ pháp lý góp phần phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID - 19 trên Đài Truyền hình Quốc hội; tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác đối thoại trong Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam xuất bản tài liệu chuyên sâu hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan…
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động còn chưa triển khai theo đúng Kế hoạch nhưng các hoạt động về hoàn thiện thể chế, các hoạt động nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời được triển khai. Trong đó, đối với Bộ, ngành, Trung ương đều đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021-2025. Còn ở các địa phương cơ bản đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý trong năm 2021.
Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú mong muốn thông qua Hội nghị này sẽ nhận được những thông tin, ý kiến góp ý từ các đại biểu để các hoạt động năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng “đúng” và “trúng” nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành, giám sát hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động và Quy chế chi tiêu tài chính của Ban Quản lý; các kế hoạch xây dựng, tổ chức hoạt động năm 2021 của Chương trình.
Chương trình HTPLLN đã đạt được một số kết quả, như sau: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai các hoạt động của Chương trình HTPLLN giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nên hầu hết các hoạt động được triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia. Việc triển khai các hoạt động của Chương trình cơ bản bám sát các mục tiêu, nội dung, tiến độ, kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Chương trình HTPLLN tiếp tục phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động như: tiến hành phát trực tiếp trên trang Facebook của Chương trình HTPLLN nhằm tiết kiệm kinh phí trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng của Chương trình HTPLLN; xây dựng các bài giảng điện tử bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhằm lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp…
Các hội nghị đối thoại trực tuyến, trực tiếp của Chương trình HTPLLN đã tạo được hiệu ứng tích cực, cơ sở pháp lý, chính sách thuận lợi, tiện để quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp xây dựng, ban hành các chương trình, dự án hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng pháp luật và chủ trương chính sách của Nhà nước, đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Chương trình HTPLLN đã phối hợp với các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể, như: tổ chức diễn đàn, hội nghị trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; tổ chức các chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp thông qua Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 trên Đài Truyền hình Quốc hội… Các hoạt động này đã có một số kết quả cụ thể, tạo kênh thông tin quan trọng và kịp thời để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật kinh doanh tới các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp khắc phục tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kinh phí cấp cho Chương trình HTPLLN được sử dụng tiết kiệm, đúng định mức. Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động toạ đàm, bồi dưỡng, các chương trình kinh doanh và pháp luật được tổ chức hợp lý, khoa học. Điều này góp phần nâng cao chất lượng, tác động thiết thực cho đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp tham gia, cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp và các sở, ban ngành liên quan ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong quá trình triển khai các hoạt động của Chương trình HTPLLN, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động của Chương trình HTPLLN cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác truyền thông, tuyên truyền các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khuôn khổ Chương trình HTPLLN còn gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư nguồn lực và kinh phí hợp lý; một số hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe một số tham luận quan trọng, đồng thời trao đổi, thảo luận nội dung Báo cáo về: Kết quả thực hiện hoạt động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DNNVV giai đoạn 2021-2025; Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ cho DNNVV năm 2021 tại Hiệp hội DNNVV Việt Nam và kiến nghị, đề xuất năm 2022; Khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trren Truyền hình, phát thanh năm 2021 - Đề xuất, kiến nghị…
N.D