Chiều 23/12, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Định hướng hoạt động của Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022”.
Ông Lê Vệ Quốc – Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp và bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố (TP) Hà Nội dự Tọa đàm.
Công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Mở đầu Tọa đàm, chia sẻ lý do cần thiết kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL, ông Lê Vệ Quốc cho biết, Hội đồng Phối hợp PBGDPL đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1998 và chính thức được luật hóa trong Luật PBGDPL năm 2012. Theo đó, Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng, được thành lập từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện. Thời gian qua, Hội đồng đã phát huy đầy đủ vai trò là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương triển khai công tác PBGDPL ngày càng đi vào nền nếp, thực chất và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, qua nhiều lần đánh giá tổng kết và gần đây nhất là tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hội đồng. Chẳng hạn, tính hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng ở một số cấp, ngành còn hạn chế; sự phát huy trách nhiệm, vai trò của các thành viên Hội đồng chưa được chú trọng, ý thức của các cấp ủy Đảng và cá nhân thành viên Hội đồng chưa cao...
Vì vậy, Ban Bí thư ra Kết luận số 80 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32. Trong đó, yêu cầu cần kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp theo hướng ở Trung ương thì Chủ tịch Hội đồng phải là Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng địa phương phải là lãnh đạo cấp tỉnh. Từ đó, hy vọng công tác của Hội đồng được cải thiện, đi vào thực chất, hiệu quả, giúp công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới.
Về Quyết định 115/QĐ-HĐPH phê duyệt danh sách thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương thì đã bổ sung đại diện các ban của Đảng như Tuyên giáo, Dân vận, Nội chính; bổ sung đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành như Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao. Việc bổ sung trên nhằm đảm bảo mục tiêu công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không riêng của một bộ, ngành hay cấp nào; công tác PBGDPL đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; cần chú trọng thêm một số lĩnh vực mà đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi phải tăng cường hiểu biết, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cán bộ công chức.
Đối với Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, trong năm 2021, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã tích cực, chủ động, kịp thời, linh hoạt bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của TP để tham mưu UBND TP ban hành 14 văn bản, tham mưu Hội đồng TP ban hành 12 văn bản và trực tiếp ban hành trên 10 văn bản chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Riêng đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở đã tham mưu ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn công tác tuyên truyền phòng chống dịch; tham mưu tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng chống dịch bệnh; in ấn và phát hành 500 nghìn tờ gấp tuyên truyền mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch…
Ông Quốc ghi nhận, trong 63 tỉnh, thành, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội là một điểm sáng. Qua theo dõi, ông Quốc nhận thấy có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, dành cho Hội đồng hàng năm nguồn lực, cơ chế thực hiện đủ đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL trên địa bàn TP. Các thành viên tham gia Hội đồng rất tích cực, phát huy được vai trò của từng thành viên. Đồng thời, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã phát huy vai trò của cơ quan thường trực hết sức trách nhiệm, tích cực và chuyên nghiệp trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, các hình thức, cách thức tổ chức công tác PBGDPL gặt hái nhiều thành công, được sự ghi nhận lớn của người dân trên địa bàn TP.
Hà Nội cũng là điểm sáng được Thủ tướng khen ngợi trong phòng chống dịch vì vi phạm các quy định phòng chống dịch trên địa bàn rất hạn chế. Điều này chứng tỏ công tác PBGDPL đã thấm sâu vào cuộc sống người dân, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. “63 Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh đều có sự vào cuộc… như Hà Nội thì hiệu quả công tác PBGDPL trên toàn quốc sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Quốc cho hay.
Chú trọng nguồn lực con người, tài chính cho công tác PBGDPL
Thời gian tới, bà Hương cho biết, sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm hơn nữa của Hội đồng Phối hợp PBGDPL trong tư vấn, tham mưu về công tác PBGDPL; trách nhiệm thành viên của từng thành viên Hội đồng; trách nhiệm gắn kết của Hội đồng và gắn kết với trách nhiệm tham mưu về công tác PBGDPL tại các sở, ban, ngành; định hướng nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng giai đoạn.
Đồng thời, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PBGDPL; thực hiện các đợt kiểm tra, khảo sát trên thực tế để phát hiện các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Đặc biệt, chú trọng bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở với những địa phương còn hạn chế về kinh phí.
Ông Quốc thì nhấn mạnh một số định hướng trong năm 2022 như sẽ tăng cường tham mưu về thể chế nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho công tác PBGDPL như tham mưu ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2022-2025; phối hợp với các cơ quan tham mưu ban hành một số đề án như Đề án tổ chức truyền thông chính sách để công tác PBGDPL được triển khai từ sớm, từ xa ngay trong quy trình đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản để định hướng, tạo dư luận xã hội để khi văn bản được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, tạo sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường, củng cố nguồn lực, muốn vậy phải có sự đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa xôi. Trong đó, cùng Luật Biên phòng, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu các cấp lãnh đạo ban hành những chính sách, nhất là những chính sách hướng đến những người làm công tác PBGDPL từ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đến các ngành, các cấp.
Song song với củng cố nguồn lực thì sẽ đẩy mạnh chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL. Bởi nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước thì công tác PBGDPL vô cùng khó khăn, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội như chú trọng huy động lực lượng có kiến thức, am hiểu pháp luật tham gia vào công tác này. Hay phải kể đến Báo Pháp luật Việt Nam là gương sáng điển hình trong thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL với một chương trình rất nhân văn là chương trình xóa đói, giảm nghèo về pháp luật.
Ngoài ra, thực hiện Đề án về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin mà Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương là xây dựng các cổng, trang thông tin, thì công tác PBGDPL trong năm 2022 sẽ đẩy mạnh hoạt động trên nền tảng mạng xã hội để cùng triển khai PBGDPL một cách nhanh chóng, thuận lợi, dễ tiếp cận…
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam