Ngày 16/12/2021, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về khả năng gia nhập Công ước quốc tế năm 1961 về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch với sự tham dự của đại diện một số cơ quan và chuyên gia quốc tế về lĩnh vực quốc tịch (UNHCR; Văn phòng đa quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam; Bộ Tư pháp Philippin; Cục di trú, Bộ Tư pháp Turkmenistan; Đại học Maastricht, Hà Lan); một số cơ quan trong nước (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ…) và Sở Tư pháp Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng. Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Công Khanh đã thông tin, một trong những nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự tại Việt Nam, giai đoạn 2020-2030 là đẩy mạnh nghiên cứu và gia nhập Công ước quốc tế 1961 về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch. Việc tổ chức hội thảo quốc tế tham vấn ý kiến về khả năng gia nhập Công ước này là một trong những hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ nêu trên của Bộ Tư pháp trong năm 2021.
Buổi sáng, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận từ đại diện của các cơ quan trong nước về Những nỗ lực trong việc giải quyết giấy tờ pháp lý cho người không quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, người di cư tự do; những khó khăn, thách thức trong việc xóa bỏ tình trạng không quốc tịch tại Việt Nam; phân tích, đánh giá về khả năng tham gia Công ước này của Việt Nam trong tương lai, cũng như những yêu cầu về hội nhập quốc tế, cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM) và triển khai thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận di cư toàn cầu, hợp tác, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc.
Buổi chiều, chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp Philippin, Turkmenistan và chuyên gia về lĩnh vực không quốc tịch của trường Đại học Maastricht, Hà Lan đã trao đổi về những kinh nghiệm của quốc gia là thành viên của Công ước cũng như tham vấn các thông tin, nội dung cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất khả năng gia nhập Công ước này của Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, trên cơ sở tình hình giải quyết người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch ở Việt Nam hiện nay, các quy định pháp luật của Việt Nam đã có nhiều nội dung phù hợp với các quy định của Công ước 1961. Việc có thể xem xét gia nhập Công ước 1961 sẽ giúp cho Việt Nam có thêm nhiều lợi thế hơn nữa trong việc giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng không quốc tịch trong tương lai. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đối ngoại, hội nhập quốc tế trong thời gian tới, đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định “
Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Công Khanh cảm ơn những ý kiến góp ý và những kinh nghiệm quý báu của các đại biểu. Đây sẽ là cơ sở để trong thời gian tới Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất khả năng Việt Nam gia nhập Công ước 1961 về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch./.
Link chia sẻ:
https://vnews.gov.vn/video/tham-van-ve-viec-giam-thieu-tinh-trang-khong-quoc-tich-22461.htm