Bồi dưỡng nâng cao năng lực trong thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản

13/12/2021
Bồi dưỡng nâng cao năng lực trong thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản
Ngày 10/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp bồi dưỡng “Nâng cao năng lực trong thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản” tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, quyền sở hữu tài sản là một trong các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm nâng cao năng lực, hiểu biết pháp luật cho các tổ chức, cá nhân, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, đồng thời trao đổi về những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong thực tiễn.
Lớp bồi dưỡng được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, với sự tham dự của một số chuyên gia: ông Nguyễn Văn Mạnh - Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; bà Chu Thị Thủy Chung – Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính, các chuyên gia pháp luật là đại diện một số Bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu như: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Phòng Tư pháp một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội... Đồng thời, Lớp bồi dưỡng có sự tham dự đông đảo thông qua hình thức trực tuyến của các đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp địa phương như: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An...
Tại Lớp bồi dưỡng, các đại biểu được nghe các bài tham luận về: “Tổng quan về hệ thống pháp luật về quyền sở hữu tài sản – một số vướng mắc bất cập và định hướng hoàn thiện”; “Một số vấn đề cần lưu ý trong thực thi pháp luật về quản lý, xử lý tài sản công ở địa phương”; “ Kinh nghiệm đối với cán bộ, công chức ngành tư pháp trong việc hướng dẫn thực thi pháp luật từ một số vụ việc cụ thể”. Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu đặt câu hỏi và trao đổi rất sôi nổi về một số vấn đề thực tiễn có liên quan như: Quyền thuê ki - ốt ở chợ có được coi là quyền tài sản không và có được thừa kế không; quyền sở hữu và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với “đất dịch vụ”; về việc mua bán xe máy cũ không có giấy tờ chính chủ; quy định về “hộ gia đình” theo pháp luật đất đai và những vấn đề khác có liên quan...
Các đại biểu tham dự đã đánh giá rất cao kết quả đạt được từ Lớp bồi dưỡng và mong muốn Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm, Lớp bồi dưỡng tương tự trong tương lai về vấn đề này.
Phát biểu kết thúc Lớp bồi dưỡng, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự có mặt của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội, các cơ quan tư pháp ở địa phương và hi vọng rằng các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Tư pháp để tiếp tục hoàn thiện khung chính sách pháp luật về quyền sở hữu tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả.