Sáng nay (22/9), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn trực tuyến “Dự thảo Báo cáo chuyên gia về nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS) tại Việt Nam và khuyến nghị”. Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế và bà Lại Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế đồng chủ trì Hội thảo điểm cầu tại Bộ Tư pháp. Tham dự Hội thảo về phía UNDP có bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia UNDP Việt Nam; bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ dự án, UNDP Việt Nam; TS. Markus Burgstaller, Luật sư thành viên, Hogan Lovells, London. Ngoài ra, còn có đại diện một số Bộ, ngành; các trường đại học; các luật sư của một số công ty luật và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Bạch Quốc An cho biết, trong những năm qua, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và chính phủ Việt Nam ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong nước và cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực.
Về cam kết quốc tế, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký 67 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập và nhiều hiệp định thương mại tự do (trong khuôn khổ hội nhập ASEAN, WTO, Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương) trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, với tiêu chuẩn mở cửa thị trường và bảo hộ đầu tư cao hơn.
Các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đặt trọng tâm vào công tác phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế. Hơn nữa, thực tiễn thực hiện vai trò cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong tất cả các tranh chấp đầu tư quốc tế, đồng thời chủ trì giải quyết những vụ việc quan trọng, phức tạp theo phân công của Thủ tướng Chính phủ cho thấy mỗi vụ tranh chấp như vậy kéo dài khoảng 2 năm, với chi phí hàng triệu đô la Mỹ, chưa kể thời gian, công sức mà các cơ quan nhà nước phải bỏ ra khi tham gia vào công tác này. Đặc biệt, khi thua thì Chính phủ, cơ quan nhà nước phải bồi thường khoản tiền lớn.
Do vậy, nếu thực hiện tốt công tác phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế sẽ có tác động tích cực đến cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, tiết kiệm đáng kể nguồn lực (cả về tài chính và con người) cho công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Vụ trưởng Bạch Quốc An khẳng định, Hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia UK chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam cũng như cùng nhau tìm hiểu các giải pháp để giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư, đại biểu đến từ khu vực thu hút đầu tư trọng điểm của các địa phương trong cả nước thảo luận về nguyên nhân và đánh giá thực trạng, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và ngăn ngừa tranh chấp.
Trình bày tóm tắt về kết quả Báo cáo nghiên cứu của chuyên gia UNDP, bà Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng luật sư IDVN, Chuyên gia UNDP nhận định, cùng với những bước tiến mạnh mẽ và thành tựu của hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, Việt Nam cũng phải đối diện với các thách thức của quá trình này, trong đó việc thực thi các cam kết quốc tế đã và đang phát sinh một số tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế.
Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật quốc tế) là cơ quan đại diện pháp lý trong tất cả các tranh chấp đầu tư quốc tế, đồng thời chủ trì giải quyết những vụ việc quan trọng, phức tạp theo phân công của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị cũng chủ trì tham dự, các diễn đàn quốc tế về đầu tư, thương mại quốc tế đang trong quá trình cải tổ tại các nhóm công tác 2 và 3 của UNCITRAL về cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Trước bối cảnh số lượng các vụ kiện, các vụ thông báo ý định khởi kiện và các vướng mắc của các nhà đầu tư ngày càng gia tăng, tiếp nối hoạt động hợp tác năm 2 với Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại khu vực ASEAN”, do Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ, theo đề xuất của Vụ Pháp luật quốc tế, UNDP đã hỗ trợ Chuyên gia để thực hiện “
Nghiên cứu, khảo sát các nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, từ đó đề xuất giải pháp hạn chế tranh chấp và hoàn thiện hệ thống pháp luật”.
Báo cáo khảo sát này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp nhận diện chính xác những nguyên nhân phát sinh tranh chấp trong thời gian qua. Báo cáo chuyên gia cũng nhằm đưa ra bức tranh chân thực và đầy đủ về nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam để các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ước đến địa phương tham khảo trong quá trình đàm phán, ký kết và thực thi các cam kết quốc tế về đầu tư, cũng như quy định pháp luật trong nước về đầu tư tại Việt Nam.
Báo cáo chuyên gia về nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế và giải pháp giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế gồm 05 nội dung chính: Bối cảnh (Quốc tế và Việt Nam); mục tiêu của báo cáo; khảo sát thực tế; kết quả khảo sát; khuyến nghị của chuyên gia.
Tại Hội thảo các chuyên gia tham dự đã tập trung trao đổi, phản biện và góp ý nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo báo cáo nêu trên.
N.D