Trong nền kinh tế thị trường nói chung và đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng, việc công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản giúp cá nhân, tổ chức có nguồn thông tin tin cậy để tra cứu trước khi xem xét, quyết định giao kết hợp đồng, đầu tư, cho vay vốn là hết sức cần thiết. Với ý nghĩa đó thì việc đăng ký biện pháp bảo đảm làm một trong những công cụ hữu hiệu để công khai hóa thông tin về tài sản bảo đảm; xác lập hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của các bên cùng nhận bảo đảm khi xử lý tài sản bảo đảm; giúp bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế; tăng cường khả năng, cơ hội tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp; góp phần huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bài viết hướng tới Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (10/7/2001 - 10/7/2021)
Việc đăng ký biện pháp bảo đảm lần đầu tiên được ghi nhận trong Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm. Để quản lý và thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm, trên cơ sở Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, ngày 10/7/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 104/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
Trong 20 năm qua, cùng với sự hình thành và phát triển của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải là tàu bay, tàu biển) luôn được đánh giá là lĩnh vực tiên phong hàng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và đã có những bước phát triển vượt bậc như:
(i) Giai đoạn từ năm 2001 đến trước ngày 19/3/2012, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp xây dựng phần mềm đăng ký giao dịch bảo đảm và thực hiện hiệu quả việc ứng dụng phần mềm này tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, từng bước thực hiện việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản để quản lý tập trung tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm;
(ii) Giai đoạn từ ngày 19/3/2012 đến ngày 10/7/2017, trên cơ sở kết quả quan trọng đạt được của giai đoạn trước, Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản (không phải là tàu bay, tàu biển) ở mức độ 3 đã chính thức được vận hành để áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc từ ngày 19/3/2012[1]. Sự kiện này đã được ghi nhận là một trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp năm 2012. Hệ thống đăng ký trực tuyến này đã được sử dụng ổn định và ngày càng hiệu quả trong những năm tiếp theo, tỷ lệ đăng ký trực tuyến ngày càng tăng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công và trong phát triển kinh tế - xã hội, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thực hiện thường xuyên việc nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến;
(iii) Giai đoạn từ ngày 10/7/2017 đến nay, trên cơ sở kết quả phát triển Hệ thống đăng ký trực tuyến ở các giai đoạn trước, Cục Đăng ký đã chính thức vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến ở mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến (mức độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công của Chính phủ) từ ngày 10/7/2017. Sự kiện này cũng đã được ghi nhận là một trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp năm 2017. Đồng thời, năm 2020, Cục Đăng ký đã phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tư pháp, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ thực hiện việc kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công của Bộ Tư pháp, Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
* Lợi ích của đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải là tàu bay, tàu biển)
Đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm là phương thức đăng ký tân tiến, hiện đại thông qua môi trường mạng, là một nội dung quan trọng của tiến trình cải cách hành chính, là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký biện pháp bảo đảm. Hiện nay việc đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải là tàu bay, tàu biển) được thực hiện tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Hệ thống này được nâng cấp và hoàn thiện lên mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực như sau:
Thứ nhất, đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm giúp người dân và doanh nghiệp giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí đi lại khi thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm so với phương thức đăng ký biện pháp bảo đảm truyền thống là đăng ký trực tiếp
Cụ thể, trước khi thực hiện giao dịch, người dân và doanh nghiệp có thể tự tra cứu thông tin (cung cấp thông tin) và thực hiện đăng ký trực tuyến qua Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm tại bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào mà không phải chờ đợi đến nộp hồ sơ trực tiếp tại các trụ sở cơ quan đăng ký trong giờ hành chính. Do đó, đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm sẽ giúp việc đăng ký được thực hiện nhanh chóng, chính xác, thuận lợi, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội, góp phần thúc đẩy hoạt động tín dụng phát triển.
Thứ hai, đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm góp phần minh bạch hóa nền hành chính quốc gia
Minh bạch, công khai là đặc tính của nền hành chính hiện đại nên cải cách hành chính phải hướng tới mục tiêu đó. So với việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính truyền thống cần nhiều biên chế để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, giấy tờ thì đối với đăng ký trực tuyến, người dân và doanh nghiệp sẽ thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm trên Hệ thống đăng ký trực tuyến. Như vậy việc đăng ký trực tuyến sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, giảm thủ tục giấy tờ, giảm chi phí hoạt động, góp phần tích cực trong tinh giản biên chế và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Thông qua việc cung cấp dịch vụ công này, mọi người dân, doanh nghiệp được nhận được kết quả nhanh chóng, kịp thời, hạn chế sự phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức có thể xảy ra trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, trước tình hình diễn biến phức tạp và nguy hiểm của đại dịch Covid 19 thì việc việc đăng ký trực tuyến là giải pháp hữu hiệu, vẫn đảm bảo tiến độ xử lý công việc và đảm bảo giãn cách an toàn. Việc đăng ký trực tuyến vừa đảm bảo nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại vừa hạn chế việc lây nhiễm dịch bệnh, qua đó góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.
* Giải pháp tiếp tục hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm
Để tiếp tục phát huy những tiện ích và hiệu quả về đăng ký biện pháp bảo đảm do Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm mang lại, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung và đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải là tàu bay, tàu biển) nói riêng, cơ quan có thẩm quyền cần có những giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm theo hướng tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm; đặc biệt chú trọng cơ chế trao đổi thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm giữa các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản, các cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại.
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông và quảng bá hiệu quả của Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo nhiều giá trị hơn nữa trong đời sống kinh tế và xã hội, giảm thiểu tối đa rủi ro, tranh chấp đối với tài sản bảo đảm, tạo đà khơi thông nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt nghiên cứu xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để làm rõ vị trí, định hướng phát triển của thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thiết chế đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký giao dịch, tài sản, tạo tiền đề chiến lược cho việc hoàn thiện hơn cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Nguyễn Hoa
[1] Hệ thống đăng ký trực tuyến được xây dựng trên cơ sở có sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và hỗ trợ phần mềm của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới (Word Bank).