Báo cáo Tổng kết Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND

28/05/2021
Báo cáo Tổng kết Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND
Ngày 25/5/2021, Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” đã có Báo cáo số 85/BC-BTC về tổng kết Cuộc thi.
Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; trên cơ sở Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW ngày 22/01/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, nâng cao hiểu biết pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như nhận thức của mọi công dân Việt Nam về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” (sau đây gọi là Cuộc thi) trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc thi được tổ chức trong vòng 30 ngày (từ 0h00 ngày 01/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021) trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Qua theo dõi tình hình hưởng ứng, tổ chức tham gia Cuộc thi của các bộ, ngành, địa phương. 

Mặc dù được tổ chức trong thời gian ngắn, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tổ chức Cuộc thi, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp và sự chủ động tham mưu thực hiện của Sở Tư pháp các địa phương nên đã động viên, thu hút, khuyến khích đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia Cuộc thi.

Cuộc thi cũng đã nhận được sự hưởng ứng của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó một số địa phương có số người tham gia thi đông đảo như: thành phố Hà Nội (97.203 người), Bắc Giang (68.229 người), Nghệ An (45.767 người), Ninh Bình (36.002 người), thành phố Hồ Chí Minh (26.626 người), Lào Cai (15.356 người), Quảng Ninh (14.951 người)….Đáng lưu ý, đã có 74,2% người dự thi sử dụng giao diện Cuộc thi trên điện thoại di động; 25,2% sử dụng máy tính bảng; 0,6% sử dụng máy tính để bàn. 

Kết thúc Cuộc thi, trên cơ sở xác nhận đối với kết quả thi của Bộ phận vận hành và quản trị phần mềm Cuộc thi, Tổ thư ký giúp việc đã phối hợp với Sở Tư pháp một số địa phương và đơn vị liên quan tiến hành rà soát, liên hệ với người đạt giải để xác thực thông tin bảo đảm chính xác; lập danh sách người dự thi có kết quả cao nhất trình Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, phê duyệt. Ngày 18/5/2021, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Quyết định số 835/QĐ-BTC công nhận kết quả và trao giải thưởng Cuộc thi cho 36 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất với cơ cấu giải thưởng như sau: 01 Giải Nhất: 20.000.000 đồng; 05 Giải Nhì: 5.000.000 đồng/giải; 10 Giải Ba: 3.000.000 đồng/giải; 20 Giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải.

Nội dung của báo cáo cũng khái quát những kết quả đạt được, những điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút kinh nghiệm khi tổ chức các cuộc thi trực tuyến trong thời gian tới.
 Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật