Khung giám sát thi hành pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật

19/01/2021
Khung giám sát thi hành pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật
Thực hiện kế hoạch hoạt động Dự án “Tăng cường tiếp cận tư pháp và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật” giai đoạn 2018 – 2021 do UNICEF tài trợ, các chuyên gia thuê tuyển của Dự án đã xây dựng dự thảo Khung giám sát, hướng dẫn triển khai thi hành một cách đồng bộ, hiệu quả, nhạy cảm giới những quy định mới về người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện Khung giám sát, ngày 19/01/2021, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn đối với Khung giám sát nêu trên do bà Lê Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp chủ trì.
Tham dự buổi Hội thảo có đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhan dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Lao động thương binh và xã hội, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, bà Lê Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho rằng việc ban hành chính sách, pháp luật phù hợp là tiền đề bảo đảm quyền và lợi ích của người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người chưa thành niên vi phạm pháp luật có được hưởng đầy đủ các chính sách đó hay không thì phụ thuộc vào khâu then chốt là tổ chức thi hành pháp luật. Để bảo đảm các chính sách, pháp luật này đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật được thực thi trên thực tế, việc xây dựng các tiêu chí giám sát hiệu quả thực thi rất có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và theo dõi, đánh giá thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước có được triển khai thực hiện tốt hay không mà còn hỗ trợ rất lớn cho công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực thi quyền con người, quyền trẻ em theo Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế về quyền con người, quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Do đó, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật, thi hành thống nhất, đồng bộ các quy định mới về người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật, việc xây dựng một hướng dẫn liên ngành gồm Khung giám sát thực thi pháp luật là cần thiết.
Trong bối cảnh này, UNICEF đã hỗ trợ Bộ Tư pháp xây dựng Khung giám sát này với vai trò là nghiên cứu bước đầu có tính chất tham khảo sẽ xác định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả thi hành chính sách, pháp luật thông qua các kết quả đầu ra mong đợi trong việc áp dụng một số quy định cụ thể của pháp luật về xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Khung giám sát này sẽ góp phần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ trong thi hành pháp luật, đảm bảo quyền lợi tốt nhất của người chưa thành niên cũng như đảm bảo sự nhạy cảm về giới đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.
Tại buổi hội thảo các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017...
Bên cạnh đó, tại buổi hội thảo được nghe các chuyên gia độc lập, các đại biểu đến từ các bộ, ngành đánh giá về Khung giám sát và nội dung tập trung vào một số vấn đề cụ thể như sau:
Một là, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết của Khung giám sát và đánh giá cao sự nghiên cứu công phu của các chuyên gia, đây là nỗ lực rất lớn để tăng cường chính sách đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, giúp các em nhận thức, sửa chữa lỗi lầm và thúc đẩy tái hòa nhập cộng đồng thành công.
Hai là, về phạm vi điều chỉnh, có nhiều đại biểu cho rằng cần mở rộng nghiên cứu đến các Luật có liên quan trực tiếp đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật, ví dụ: Luật Thi hành án hình sự, Luật tam giữ, tạm giam..
Ba là, hiện nay Khung đánh giá đang đưa ra các tiêu chí, tuy nhiên trên thực tế việc hoàn thiện các quy định như Khung giám sát nêu là khó đảm bảo tính khả thi, ví dụ như, Phòng xử thân thiện, đội ngũ cán bộ điêu tra được đào tạo bài bản, có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm phù hợp trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi... Do đó, cần bám sát hơn thực tế để xây dựng Khung giám sát cho phù hợp và có lộ trình để đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả.
Phát biểu kết luận buổi hội thảo, bà Lê Thị Vân Anh – chủ trì buổi hội thảo đã tóm tắt những nội dung cơ bản của buổi hội thảo, bà cũng đánh gia cao sự tham gia tích cực của các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các quy định của pháp luật về Khung giám sát trong thời gian tới../.
                                                                          Vụ PLHSHC