Giai đoạn 2016 – 2020: Bước chuyển mình của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

05/01/2021
Giai đoạn 2016 – 2020: Bước chuyển mình của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Giai đoạn 2016 – 2020 được coi là giai đoạn bản lề của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở (HGOCS), xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, các lĩnh vực trên trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo bước chuyển quan trọng cho công tác này.

Thể chế trong các lĩnh vực này tiếp tục được hoàn thiện, triển khai và phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế; có trọng tâm, trọng điểm và tập trung hướng về cơ sở, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là định hướng lấy người dân làm trung tâm. Cùng với việc đặt trọng tâm tổ chức thực hiện Luật PBGDPL có hiệu quả, trong giai đoạn này, thể chế triển khai PBGDPL đã có bước hoàn thiện quan trọng thông qua việc tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ hệ thống các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bao gồm: 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 02 Quyết định quy phạm pháp luật); 02 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Một trong những bước chuyển quan trọng của công tác PBGDPL giai đoạn 2016 – 2020 là việc tổ chức thực hiện PBGDPL theo định hướng toàn diện, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đổi mới mạnh mẽ, tập trung hướng về cơ sở… Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục được tổ chức, đưa Ngày Pháp luật trở thành sự kiện chính trị - pháp lý thường niên quan trọng, được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật sâu rộng, trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, các thiết chế khác trong hệ thống chính trị và trong đời sống thường nhật của cá nhân, doanh nghiệp. 
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và HGOCS trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt nhiều thành tựu quan trọng với định hướng lấy người dân cơ sở là trung tâm và “Không để ai ở lại phía sau về pháp luật” là phương châm hoạt động. Mặc dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của mình trong tổng thể các chính sách của Nhà nước tại cơ sở.
Lần đầu tiên, chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (thuộc thành phần 18.5 của Tiêu chí 18. Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật) tạo cơ sở bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, từng bước xóa bỏ tình trạng nghèo đa chiều. Số xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã đóng góp quan trọng, thiết thực vào kết quả 62% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (tính đến năm 2020), qua đó khẳng định vai trò của ngành Tư pháp và của pháp luật trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện toàn diện, bền vững mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công tác HGOCS được đánh dấu bằng việc tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng. Để tăng cường năng lực cho các hòa giải viên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”. Năm 2020 còn đánh dấu mốc mới trong công tác hòa giải khi hội nghị “Dân vận trong công tác hòa giải” do Bộ Tư pháp cùng với Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TANDTC phối hợp tổ chức thành công; giúp nhận diện rõ hơn vai trò của công tác này, đồng thời “dân vận khéo” được xác định là kim chỉ nam dẫn dắt, định hướng để triển khai công tác hòa giải có hiệu quả trên thực tế.
Năm 2021 và nhiệm kỳ mới 2021-2025 là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt với nhiều thời cơ và vận hội mới đối với đất nước, ngành Tư pháp nói chung, đối với các lĩnh vực công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng. Bên cạnh định hướng chung, một trong những nhiệm vụ được Vụ PBGDPL đặt trọng tâm ưu tiên đầu tiên trong giai đoạn tới sẽ là nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, để thể chế dẫn dắt hành động, với việc tham mưu tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL, Luật HGOCS, Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quyết định…
Trong từng lĩnh vực công tác sẽ có những định hướng riêng cho cả giai đoạn và phù hợp với từng năm theo tinh thần hiện thực hóa tối đa các định hướng lớn đã được xác định tại Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, coi đây là cái “nôi”, là kim chỉ nam của mọi hoạt động, tác động lan tỏa và chi phối đến các lĩnh vực công tác. Bên cạnh đó, tập trung giải pháp tạo đột phá, đổi mới tư duy, cách tiếp cận tổ chức công tác này là chuyển đổi số trong PBGDPL, HGOCS và chuẩn tiếp cận pháp luật, để câu chuyện chuyển đổi số không phải là câu chuyện của quốc gia đại sự, mà sẽ là những sản phẩm ứng dụng hữu hình thiết thực mà các lĩnh vực công tác của đơn vị có thể đóng góp, chung tay thực hiện vì mục tiêu nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật cho cán bộ, Nhân dân. 

Uyên San


baophapluat.vn