Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 và giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Chương trình 585) hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật, phòng chống rủi ro pháp lý; tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, Chương trình 585 đã kịp thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên quan cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua một số hình thức khác nhau, trong đó, nổi bật là các hoạt động xây dựng và phát sóng Chương trình Kinh doanh và Pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam, xây dựng các clip bài giảng điện tử bồi dưỡng trực tuyến về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên Đài truyền hình Quốc hội, xây dựng và phát sóng chương trình tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trên Đài truyền hình địa phương có địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn...
1. Trong 10 năm qua, Chương trình 585 đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đã đạt được một số kết quả nhất định, gồm:
(i)
Tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật kinh doanh: các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật; đến nay đã tổ chức được 369 Tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh trên cả nước.
(ii)
Tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:
-
Tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp: đã giao các cơ quan, tổ chức thực hiện trên 200 lớp bồi dưỡng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, thu hút gần 15.000 lượt đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp tham dự.
-
Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp: đã lựa chọn và giao các cơ quan, tổ chức thực hiện 117 lớp bồi dưỡng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; thu hút gần 11.000 lượt cán bộ pháp chế, luật sư, luật gia, cố vấn pháp luật cho doanh nghiệp tham dự.
-
Tổ chức tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: đã giao các cơ quan, đơn vị tổ chức 36 tọa đàm, 135 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thu hút hơn 16.000 lượt đại biểu cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cả nước tham dự.
Đặc biệt từ năm 2019, Ban Quản lý Chương trình 585 đã chỉ đạo xây dựng 18 clip chương trình tập huấn trực tuyến cho các doanh nghiệp với thời lượng 10-15 phút/1 chương trình nhằm mục đích cung cấp kiến thức cần thiết cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phòng, tránh được các sai sót thường gặp trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong năm 2020, xây dựng 45 clip tập huấn pháp luật trực tuyến nhằm bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với cơ quan, tổ chức, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cung cấp kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật cho doanh nghiệp với 7 nhóm chủ đề. Các clip được phát sóng trên kênh Youtube, Facebook và đăng tải trên trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng cập nhật.
(iii)
Xây dựng và phát sóng Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam: Bắt đầu từ tháng 7/2012, trên cơ sở kế hoạch chi tiết triển khai hoạt động, Chương trình 585 đã xây dựng, phát sóng Chương trình Kinh doanh và Pháp luật cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến hết năm 2020,1.744 chuyên đề
‘Kinh doanh và Pháp luật’ trên Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV) và 352 Chương trình
‘Kinh doanh và Pháp luật’ phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV2) đã được xây dựng và phát sóng. Thời lượng phát là 04-06 phút/01 chương trình trên sóng VOV1, VOV2 và 25 phút/01 Chương trình Kinh doanh và Pháp luật phát trên sóng VTV2. Các chương trình phát thanh và truyền hình này đã đáp ứng yêu cầu và nhận được phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước
.
(iv)
Xây dựng Bản tin, tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các cuốn Cẩm nang pháp luật: đã xây dựng, phát hành được 47 bản tin, cẩm nang, tài liệu. Trong đó, có 26 bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với số lượng phát hành trên 20.000 cuốn theo các chuyên đề về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và phát miễn phí cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
(v)
Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn: đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí
thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại 30 địa bàn kinh tế có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; trong đó, có 09 địa phương triển khai Chương trình tư vấn pháp luật trên truyền hình.
2. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, Chương trình 585 thực hiện việc khảo sát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp (khảo sát qua phiếu và khảo sát trực tuyến); thực hiện việc giám sát, kiểm tra và đánh giá các hoạt động. Tất cả các hoạt động đều được Ban Quản lý Chương trình 585 phê duyệt trước khi triển khai thực hiện; các tọa đàm, lớp bồi dưỡng được giám sát qua livestream trên Facebook của Chương trình 585 hoặc cử trực tiếp tham dự các hoạt động để kiểm tra, giám sát; việc đánh giá, nghiệm thu qua hoạt động nghiệm thu, thanh lý được thực hiện kịp thời, khách quan, có chất lượng, qua đó đã đánh giá đúng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý của Chương trình 585 do các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện. Việc sử dụng ngân sách của Chương trình được Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình 585 chỉ đạo chặt chẽ trên cơ sở các quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Việc thực hiện ngân sách của Chương trình 585 bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
3. Sau hơn 10 năm triển khai, mặc dù gặp không ít khó khăn, Chương trình 585 đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo một số đánh giá độc lập, Chương trình 585 là một trong 10 chương trình hỗ trợ hiệu quả nhất cho doanh nghiệp trong thời gian qua (Báo cáo đánh giá độc lập của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (Dự án GIG) ngày 28/11/2018).
Chương trình 585 đã có những tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; qua đó góp phần hình thành các mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, như mô hình Cà phê doanh nhân, Cà phê sáng thứ 7, Bác sĩ doanh nghiệp...cụ thể:
- Đối với bộ, ngành Trung ương: Chương trình 585 đã lan tỏa và tạo cơ sở trong việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại bộ, ngành Trung ương.Việc phối kết hợp giữa Chương trình 585 và các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các bộ, ngành góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các bộ, ngành Trung ương, tránh trùng lặp về hoạt động, về nội dung.
- Đối với Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trên cơ sở kế hoạch triển khai các hoạt động của Chương trình 585, Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp cấp tỉnh, đã phối hợp với Chương trình 585 triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương.
- Đối với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp: Việc triển khai hiệu quả hoạt động của Chương trình 585 đã góp phần tạo một nguồn lực quan trọng trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các hội viên của các tổ chức này.
-
Đối với các doanh nghiệp: các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả, thành công đạt được, Chương trình 585 vẫn còn một số hạn chế. Tuy nhiên, thông qua chặng đường 10 năm thực hiện Chương trình 585 cho thấy, Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam đã tạo được ‘dấu ấn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
4. Trên cơ sở kết quả 10 năm của Chương trình 585, qua kết quả khảo sát, đánh giá của Bộ Tư pháp năm 2020 cho thấy, nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng nhiều. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kế thừa, phát huy kết quả của Chương trình 585, nhằm: (i) triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; (ii) định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Theo đó, Chương trình sẽ tập trung vào các nội dung chính: cung cấp thông tin pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật nhằm phát huy vai trò định hướng cùng với các hoạt động/chương trình hỗ trợ pháp lý của các bộ, ngành, địa phương huy động được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.
Ban Quản lý Chương trình 585