Chiều ngày 10/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Tổng kết thực hiện Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (tài sản mã hóa). Hội thảo do TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì.
Tham dự Hội thảo có các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật như: Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về tình hình, kết quả thực hiện Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (tài sản mã hóa) của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, các đại biểu tham dự đã được nghe các bài trình bày từ khối doanh nghiệp, gồm: Các đề xuất cho cơ chế thử nghiệm Fintech liên quan đến tài sản số, Đồng tiền mã hóa của Facebook và tác động của nó tới nền kinh tế thế giới và Tổng quan về tài sản số và tài sản mã hóa tại khu vực Đông Nam Á – Triển vọng đối với Việt Nam.
Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi về những kỳ vọng và đề xuất nhiệm vụ tiếp theo để hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản mã hóa như: đề xuất thử nghiệm mở sandbox tại các Trường đại học lớn tại Việt Nam áp dụng trước hết cho các sinh viên nước ngoài và các sinh viên ở thành phố lớn hay tại các rạp chiếu phim lớn tại các thành phố; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển (bao gồm rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật, tận dụng cơ hội, ứng phó với các thách thức, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư); nghiên cứu lập đề nghị và xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa (ICO/ITO hay STO), sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng ..., bên cạnh đó, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành dựa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối.
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nỗ lực để tham mưu cho cấp có thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện pháp luật về tài sản mã hóa trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và kỳ vọng của các doanh nghiệp, đặc biệt từ các startup nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới từ thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư nhưng cần bảo vệ các lợi ích công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, phòng chống các hành vi lừa đảo, gian lận liên quan. TS. Nguyễn Thanh Tú khẳng định, việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và xử lý đối với các loại tài sản mã hóa không chỉ cần sự nỗ lực của riêng Bộ Tư pháp mà cần sự chung tay từ các khối cơ quan nhà nước và cả cộng đồng doanh nghiệp.