Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại TP.Cần Thơ

11/11/2020
Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại TP.Cần Thơ
Trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động gia hạn của Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” (Dự án JICA), ngày 10/11/2020, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Dự án JICA tổ chức “Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” tại Thành phố Cần Thơ. Tọa đàm do ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì.
 

 
Tham dự Tọa đàm có ông Edagawa Mitsushi - Chuyên gia dài hạn của JICA Việt Nam. Về phía Việt Nam, có đại diện của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; đại diện Toà án nhân dân Thành phố Cần Thơ, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Cần Thơ, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Cần Thơ, Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố Cần Thơ và chi nhánh; các tổ chức tín dụng; tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hành nghề luật sư, một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu pháp lý tại Thành phố Cần Thơ…
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tuấn Ngọc cho biết Tọa đàm là diễn đàn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân làm công tác nghiên cứu và thực tiễn cùng chia sẻ ý kiến đóng góp hoàn thiện những quy định của dự thảo Nghị định, bảo đảm các yêu cầu pháp lý, an toàn giao dịch, tính khả thi, tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, thông qua đó thúc đẩy các cơ hội được tiếp cận vốn, phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, doanh nghiêp, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

       

Tại Tọa đàm, bà Tăng Thanh Phương, giảng viên Luật Tư pháp Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Đình, Công chứng viên đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam tại Cần Thơ và Luật sư, Ths.Trần Văn Nhiên, Trưởng phòng Pháp chế - Hội sở Ngân hàng TMCP An Bình đã có những tham luận góp ý trực tiếp đối với một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, cũng như những vấn đề còn có quan điểm khác nhau liên quan đến dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng đã được nghe ông Edagawa Mitsushi bình luận trực tiếp đối với dự thảo Nghị định và chia sẻ kinh nghiệm lập pháp của Nhật Bản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

        

Các tham luận và phát biểu của đại biểu tại Tọa đàm đã có nhiều trao đổi, thảo luận đối với quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các từ ngữ cần được giải thích trong dự thảo Nghị định; các vấn đề liên quan đến xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm tài sản bảo đảm trong một số trường hợp đặc biệt như sử dụng tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của người không có năng lực hành vi đầy đủ; các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm như: điều kiện được mua bán, được chuyển nhượng hoặc được chuyển giao đối với tài sản bảo đảm, đầu tư vào tài sản bảo đảm, quy định đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền tài sản, chứng khoán, tài sản được bảo hiểm, hàng hóa trong kho…; về thực hiện biện pháp bảo đảm thông qua ủy quyền và một số biện pháp bảo đảm cụ thể; về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; về một số quy định cụ thể trong xử lý tài sản bảo đảm…

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với việc tham gia Tọa đàm và nhiệt tình góp ý đối với dự thảo Nghị định của các đại biểu. Ý kiến của các chuyên gia, đại biểu hết sức hữu ích, và sẽ là cơ sở quan trọng cho Tổ biên tập nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định để báo cáo Ban soạn thảo.