Chiều 3/11, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên. Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận tư pháp và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ.
Hội nghị diễn ra tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) và Paris (Pháp). Chủ trì và điều hành Hội nghị là ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Tham dự Hội nghị có đại diện UNICEF, bà Nguyễn Thanh Trúc – chuyên gia bảo vệ trẻ em và các chuyên gia đến từ các bộ, ngành, TAND Tối cao, VKSND Tối cao.
Thực tiễn cho thấy việc xử lý người chưa thành niên vi phạm, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn một số hạn chế, bất cập: hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này trong nhiều trường hợp còn chưa đồng bộ và đầy đủ; việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng sau khi các em ra khỏi trại giam hoặc trường giáo dưỡng gặp rất nhiều khó khăn.
Hội nghị nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cho các chuyên gia thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước, xây dựng thể chế của một số cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước khác nắm vững các chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới về tư pháp phục hồi, bao gồm cả hòa giải các vụ việc người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Từ đó tham mưu hoàn thiện thể chế áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết ở Việt Nam, vấn đề người chưa thành niên vi phạm pháp luật (hành chính và hình sự) là một thách thức đối với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước thách thức đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thể chế để giải quyết vấn đề trên với tinh thần nhân văn, nhân đạo.
Đối với đối tượng chưa thành niên mà vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm pháp luật hình sự, xuất phát từ đặc điểm mang tính khác biệt của người chưa thành niên (vấn đề tâm sinh lý, lứa tuổi, nhận thức…), Việt Nam đang cố gắng, nỗ lực đưa ra những chính sách tư pháp phục hồi cho họ với triết lý lấy giáo dục thay cho trừng trị. Mục đích là giúp người vi phạm pháp luật hoàn lương, hướng thiện trở lại cộng đồng một cách thuận lợi nhất, nhanh chóng nhất, để các em có thể tự mình đứng dậy và tự mình hoàn thiện bản thân, trở thành những công dân có ích trong tương lai.
Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có những quy định này và đã hình thành ở Việt Nam cơ chế tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta chưa có chính sách mang tính tổng thể, chiến lược đảm bảo tính đồng bộ thống nhất đến những giải pháp bảo đảm việc thực thi những chính sách, thể chế đó. Do đó, việc nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chuẩn mực quốc tế về vấn đề chuyển hướng phục hồi tư pháp cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật là điều hết sức cần thiết với Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với những người làm việc trong các cơ quan tư pháp nói chung.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Trúc – đại diện UNICEF cũng cho biết người chưa thành niên vi phạm pháp luật thường thuộc vào giai đoạn từ 10-19 tuổi. Đây là giai đoạn đầy nguy cơ. Bởi trong giai đoạn này người chưa thành niên chịu ảnh hưởng sâu sắc của môi trường sống, bạn bè, cảm xúc của các em phát triển mạnh mẽ, các em có nhu cầu khẳng định mình, mong muốn được bạn bè thừa nhận, các em có xu hướng chấp nhận mạo hiểm và tìm kiếm cảm giác mạnh. Chính vì vậy mà trong giai đoạn này các hành vi lệch chuẩn, nổi loạn, vi phạm pháp luật diễn ra khá là phổ biến. Mặt khác, khả năng phục hồi, sửa chữa sai lầm của người chưa thành niên cũng cao hơn so với người đã trưởng thành. Chính vì lẽ đó mà Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã yêu cầu các quốc gia thành viên cần phải có cách tiếp cận mang tính đặc thù, khác biệt so với cách tiếp cận đối với người lớn khi mà xử lý các em vi phạm pháp luật với mục tiêu làm sao để tăng cường ý thức về phẩm chất, phẩm giá, tăng cường sự tôn trọng của các em đối với quyền con người và tự do của người khác, thúc đẩy việc tái hòa nhập và sửa chữa sai lầm của các em.
Hội nghị là một trong những nỗ lực, đóng góp mà UNICEF mong muốn mang lại để hỗ trợ cho quá trình thi hành những quy định của pháp luật, thúc đẩy hòa giải, thúc đẩy cách tiếp cận tư pháp phục hồi cho việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Hồng Mây