Tạo bước "đột phá" trong công tác xuất bản

30/10/2020
Tạo bước "đột phá" trong công tác xuất bản
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tại Hội nghị khách hàng năm 2020 do Nhà xuất bản Tư pháp tổ chức vào chiều ngày 30/10.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Quách Văn Dương, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp khẳng định, sau 17 năm thành lập, Nhà xuất bản Tư pháp ngày càng khẳng định vị thế, thương hiệu, uy tín trong khối xuất bản và được đánh giá nằm trong top đầu các nhà xuất bản uy tín tại Việt Nam hiện nay. Trong đó, các ấn phẩm sách pháp luật được đánh giá là đa dạng về thể loại, đảm bảo chất lượng ở nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu, chính trị pháp lý, văn hóa pháp lý, tài liệu giảng dạy, phổ biến pháp luật và không ngừng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn của cán bộ tư pháp và nhân dân khắp các vùng, miền trong cả nước.

Ngoài ra, Nhà xuất bản Tư pháp là đơn vị được Bộ Tư pháp giao in và phát hành nhiều loại biểu mẫu, sổ hộ tịch phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Bằng sự cố gắng của tập thể đơn vị, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, cùng sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài ngành, đặc biệt là từ phía lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp đã giúp Nhà xuất bản Tư pháp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị là lãnh đạo các Sở Tư pháp đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị nhằm giúp công tác xuất bản trong thời gian tới của Nhà xuất bản Tư pháp đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh thể hiện sự nhất trí cao với báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Nhà xuất bản Tư pháp. Thứ trưởng khẳng định, trải qua 17 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Tư pháp đã khẳng định được vị thế trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đóng góp đắc lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Bộ, ngành, địa phương. Theo đó các nội dung, hình thức xuất bản đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Từ những nội dung thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị Nhà xuất bản Tư pháp phải có những phương thức kết hợp với các Sở Tư pháp để làm sâu sắc hơn về nội dung xuất bản, tổ chức phát hành; đặc biệt, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để có những bước “đột phá” trong công tác xuất bản sách.
Thứ trưởng cũng lưu ý trong thời gian tới tủ sách pháp luật cần bổ sung những đầu sách nghiên cứu lý luận chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật để phục vụ cho việc nghiên cứu, tra cứu tài liệu tạo thành một hệ sinh thái đầu sách pháp lý chuyên sâu phục vụ cho hoạt động Bộ, ngành Tư pháp; từ đó, xây dựng được “nét riêng” cho Nhà xuất bản Tư pháp.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp nhấn mạnh, trong thời gian tới Nhà xuất bản tư pháp sẽ tiếp tục đổi mới, quyết tâm với sức sáng tạo mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng chí Hồ Quang Huy bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Tư pháp cũng đã trao tặng 30 tủ sách pháp luật cho 06 tỉnh ảnh hưởng hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra, bao gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Nhà xuất bản Tư pháp là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị thuộc Bộ Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 396/QĐ-BTP ngày 08/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, Nhà xuất bản Tư pháp có chức năng xuất bản các xuất bản phẩm nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
N.Dung