Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL

22/09/2020
Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL
Được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 18/9/2020, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL trong các lĩnh vực quản lý ngoại thương, đầu tư công và điều kiện kinh doanh. Buổi Hội nghị do đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành; viện kiểm sát, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và đại diện một số doanh nghiệp, văn phòng luật, chuyên gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đ/c Nguyễn Duy Thắng đã nêu rõ thực trạng hệ thống văn bản QPPL hiện nay khá cồng kềnh (với khoảng 8.800 văn bản ở cấp Trung ương), mỗi lĩnh vực lại được quy định tản mạn trong rất nhiều văn bản khiến cho việc tiếp cận quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức gặp nhiều khó khăn. Trong rất nhiều nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Chính phủ đã trình UBTVQH thông qua Pháp lệnh Pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển - là nơi rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 271 Đề mục - mỗi đề mục chứa đựng QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 171/271 đề mục, 150 đề mục đã được Chính phủ thông qua, 31 đề mục đang được các bộ, ngành thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Còn lại 69 đề mục dự kiến thực hiện và hoàn thành vào năm 2021 và 2022. Như vậy, với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” (phấn đấu hoàn thành vào năm 2022). Các đề mục đã được Chính phủ thông qua được đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn). Các đề mục: Quản lý ngoại thương; Đầu tư công và Một số hoạt động kinh doanh đặc thù được xem là các đề mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Mục đích của pháp điển là giúp pháp luật đi vào cuộc sống một cách thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, qua việc pháp điển 171/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 05 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe Đ/c Trần Thanh Loan - Phó Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL giới thiệu tổng quan về Bộ pháp điển, cách thức khai thác và sử dụng Bộ pháp điển; đ/c Bàn Thị Mai - Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương trình bày chuyên đề Một số vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình thực hiện pháp điển đề mục Quản lý ngoại thương. Các đồng chí đã tập trung giới thiệu cho các đại biểu tham dự tọa đàm về những nội dung cơ bản của các đề mục trên và một số vấn đề trong việc xác định phạm vi văn bản QPPL thực hiện pháp điển vào các đề mục.
Đối với đề mục Một số hoạt động kinh doanh đặc thù, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định phạm vi các văn bản QPPL đang còn hiệu lực thuộc nội dung đề mục là các văn bản quy định về đầu tư, kinh doanh một số hoạt động nhưng không thuộc phạm vi pháp điển của đề mục Đầu tư hoặc các đề mục chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể, ví dụ: kinh doanh casino; kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế… Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định có 44 văn bản có nội dung thuộc Đề mục, gồm 15 nghị định; 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 27 thông tư của Bộ trưởng (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải) và 12 văn bản QPPL khác có nội dung liên quan trực tiếp điến các nội dung của đề mục. Đối với đề mục Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định đề mục trên có 80 văn bản có  nội dung thuộc đề mục: 01 luật, 10 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng và 64 Thông tư liên tịch, thông tư.
Thông qua hoạt động pháp điển các đề mục và qua nghiên cứu, theo dõi, kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương và qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn từ năm 2018 đến nay tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Một số quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, kinh doanh chuyển khẩu còn chung chung, chưa cụ thể nên trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc; Đối với quy định về Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Hiện nay các quy định về CFS còn một số nội dung chưa thống nhất về mẫu cấp CFS, hình thức và ngôn ngữ thể hiện CFS giữa các bộ, ngành; thành phần hồ sơ xin cấp CFS chưa phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thông tin trong Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng không tương ứng với nhãn sản phẩm của hàng hóa xuất khẩu do nhãn sản phẩm phải ghi theo yêu cầu của nước nhập khẩu; chưa có các quy định về cấp lại, cấp đổi, thu hồi, cấp qua internet và các khoản phí công đối với CFS; thẩm quyền ký CFS giữa các bộ chưa thống nhất do pháp luật không quy định về nội dung này.
Đối với các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, song hệ thống pháp luật và chính sách về điều kiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa thật sự tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Do vậy, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về vấn đề này không chỉ là yêu cầu bức thiết cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao sức hấp dẫn, cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài mà còn nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư mà Việt Nam đã thỏa thuận trong các điều ước quốc tế.
Sau khi lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đánh giá Bộ pháp điển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực tiễn tra cứu, tìm kiếm QPPL của mọi cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về tính hiệu lực, chính xác, kịp thời của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển; sự kiểm duyệt, cập nhật các văn bản như thế nào để tạo niềm tin hơn cho người tra cứu, bởi Bộ pháp điển chỉ mới được đưa vào sử dụng và còn ít người biết đến. Các đại biểu cũng đã trao đổi, đề xuất hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam như: Tiếp tục xóa bỏ những hạn chế về đầu tư, kinh doanh nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư; Tăng cường tính minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật, chính sách về điều kiện đầu tư, kinh doanh; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, kinh doanh; Đảm bảo tính đồng bộ và hiệu qủa của việc thực hiện các cam kết quốc tế về điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã khẳng định lại ý nghĩa, vai trò, mục tiêu của Bộ pháp điển. Bộ pháp điển đã phần nào cụ thể hóa Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đó là xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch. Đồng thời, đồng chí cũng đánh giá về độ tin cậy, tính chính xác của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển để các cá nhân, tổ chức có thể yên tâm tra cứu. Đ/c hy vọng thông qua việc sử dụng, khai thác các cá nhân, tổ chức có thể góp ý để hoàn thiện hơn Bộ pháp điển, đặc biệt hướng tới việc thực hiện pháp điển về mặt nội dung trong tương lai. 
 
Phùng Thị Hương