Tăng cường bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực giới

18/06/2020
Tăng cường bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực giới
Thực hiện Kế hoạch hoạt động của dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Phái đoàn liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Bộ Tư pháp đã tổ chức “Hội thảo tham vấn ý kiến hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ phụ nữ và trẻ em; phòng, chống bạo lực giới” vào sáng nay (18/6).
Khả năng tiếp cận thông tin, pháp luật của phụ nữ, trẻ em còn hạn chế
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc nhấn mạnh: phụ nữ và trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nên việc đưa ra chính sách bảo vệ họ là vô cùng quan trọng. Thời gian qua cấp ủy Đảng, chính quyền đã dành sự quan tâm đáng kể cho công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) cũng đã khẳng định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đặc thù, yếu thế là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã tích cực làm việc với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm tiếp tục bảo vệ phụ nữ và trẻ em, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch truyền thông sát với điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, bà Đặng Thị Ngọc Chi, chuyên gia về truyền thông cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Trước đó, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và trở thành quốc gia thành viên của Công ước này. Đồng thời, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình nhằm chăm lo, bảo vệ, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt, công tác truyền thông, thông tin, phổ biến văn bản, chính sách về phụ nữ, trẻ em  được chú trọng; các chương trình, hoạt động được triển khai bằng nhiều hình thức, cách thức, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, tài liệu…
Tuy nhiên, việc truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ quyền cho phụ nữ, trẻ em, nhất là các vấn đề, nội dung liên quan đến giới, bạo lực gia đình, bạo lực giới còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Khả năng, năng lực tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của phụ nữ, trẻ em còn hạn chế, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Xác định truyền thông pháp luật là nhiệm vụ quan trọng
Đại diện Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Người cao tuổi, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội và đại diện một số Sở Tư pháp tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến công tác truyền thông như đối tượng, nội dung, hình thức thực hiện… qua đó tìm ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục.
Với sự hỗ trợ của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc Việt Nam (UNICEF), Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp mong muốn xây dựng và thực hiện Kế hoạch phổ biến, truyền thông pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ phụ nữ, trẻ em và phòng chống bạo lực giới, trong đó xác định những nội dung, hoạt động, cách thức, giải pháp truyền thông, phổ biến pháp luật thiết thực, hiệu quả.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
 
 
 Ngọc Dung - Trung tâm Thông tin